Ngày 17/1, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) ước tính cần 15,65 tỷ shilling (khoảng 138 triệu USD) để hỗ trợ 1,5 triệu người dân các nước vùng Sừng châu Phi gặp khó khăn do hạn hán kéo dài.
Trong kế hoạch ứng phó toàn diện với tình trạng hạn hán vùng Sừng châu Phi, FAO ước tính cần tổng cộng 138 triệu USD để giúp các cộng đồng sinh sống ở khu vực nông thôn đối phó với mối đe dọa mới.
Cụ thể, từ nay đến cuối tháng 2 tới, cần 130 triệu USD để hỗ trợ khẩn cấp cho 1,5 triệu người dễ bị tổn thương và phụ thuộc vào nông nghiệp ở 3 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Ethiopia, Kenya và Somalia.
Theo tổ chức này, các gia đình sinh sống phụ thuộc vào nông nghiệp cần hạt giống và các mặt hàng chủ lực khác để có thể duy trì năng lực sản xuất khi mùa gieo trồng chính bắt đầu vào tháng Ba.
Phát biểu tại thủ đô Nairobi của Kenya, Giám đốc Văn phòng Các tình huống khẩn cấp và khả năng phục hồi của FAO, Rein Paulsen, cho biết việc hỗ trợ nông dân vào thời điểm này có vai trò và tác động rất lớn.
[LHQ lên kế hoạch đưa 200.000 người tị nạn Ethiopia tới Sudan]
Những hành động nhanh chóng và đúng lúc sẽ giúp mang lại nguồn vốn hỗ trợ, cung cấp nước, hạt giống, thức ăn chăn nuôi, chăm sóc thú y và tiền mặt cho các hộ nông dân đang gặp khó khăn, từ đó ngăn chặn nguy cơ xảy ra một nạn đói thảm khốc.
Vùng Sừng châu Phi là nơi sinh sống của khoảng 130 triệu người. Khu vực này thường xuyên hứng chịu các đợt hạn hán nghiêm trọng kéo dài, gây ra các cuộc khủng hoảng lương thực trầm trọng tại nhiều quốc gia, de dọa đời sống của hàng chục triệu người.
Liên hợp quốc liên tục triển khai các hoạt động cứu trợ nhân đạo tại các khu vực trên thế giới, trong đó có vùng Sừng châu Phi./.