FAO: Kết quả xóa đói giảm nghèo của Việt Nam sẽ còn tốt hơn nữa

Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam, JongHa Bae, nhận định với những thành tựu trong phát triển nông thôn, Việt Nam sẽ còn đạt được những kết quả tốt hơn nữa trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.
FAO: Kết quả xóa đói giảm nghèo của Việt Nam sẽ còn tốt hơn nữa ảnh 1Những thành tựu trong phát triển nông thôn sẽ giúp Việt Nam đạt được kết quả xóa đói giảm nghèo tốt hơn nữa. (Nguồn: TTXVN)

Với chủ đề “An sinh xã hội và nông nghiệp: Phá vỡ vòng xoáy đói nghèo,” Ngày Lương thực thế giới (16/10) năm nay nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của hệ thống an sinh xã hội trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng, cải thiện đời sống để phát triển bền vững.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông JongHa Bae, Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam về công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam nhân kỷ niệm Ngày Lương thực thế giới lần thứ 35 và kỷ niệm lần thứ 70 ngày thành lập Tổ chức FAO.

- Ông có đánh giá thế nào về công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam?

Ông JongHa Bae: Thời gian vừa qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật về xóa đói giảm nghèo. Điều này rất được cộng đồng thế giới ghi nhận. Tuy nhiên như chúng ta đã biết, Việt Nam vẫn còn có những nguy cơ nghèo và đói nghèo ở những khu vực vùng sâu vùng xa, đối với những đối tượng đặc biệt như phụ nữ, trẻ em và các nhóm dân tộc thiểu số. Vì vậy, Việt Nam rất cần tập trung, nỗ lực hơn nữa để cải thiện tình hình này đối với những khu vực khó khăn đó.

Có thể khẳng định Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực ưu tiên đối với việc xóa đói, giảm nghèo. Các cơ quan của Liên hợp quốc; trong đó có FAO cũng coi đây là trọng tâm cần giải quyết trong thời gian tới. Bởi vậy các cơ quan của Liên hợp quốc sẽ cam kết cùng với Chính phủ Việt Nam để giải quyết tình trạng này. Điển hình là việc hình thành Quỹ Phát triển bền vững hỗ trợ về an ninh lương thực và dinh dưỡng trẻ em tại Việt Nam. Đây là một trong những giải pháp sắp tới sẽ nhân rộng.

- Ông đánh giá thế nào khi Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn, nhưng đời sống của nông dân vẫn còn nghèo và Việt Nam cần có giải pháp gì vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa đảm bảo cuộc sống của người nông dân?

Ông JongHa Bae: Việt Nam đã đạt được những thành tích rất tốt trong xuất khẩu gạo. Việt Nam đang là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu. Bởi vậy, an ninh lương thực về mặt số lượng không có vấn đề gì. Tuy nhiên, đúng là mức sống của những nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Về phía Chính phủ Việt Nam cũng có những nỗ lực mà đặc biệt là Chương trình Mục tiêu quốc gia về nông thôn mới với 19 tiêu chí. Qua 5 năm, Việt Nam đã có được những thành tựu nhất định trong thời gian đầu triển khai chương trình. Tuy nhiên, thời gian tới Việt Nam cần có những đánh giá về chương trình này và cần phát huy như thế nào.

FAO: Kết quả xóa đói giảm nghèo của Việt Nam sẽ còn tốt hơn nữa ảnh 2Nuôi thỏ giống New Zealand giúp hộ nông dân Hương Sơn, Hà Tĩnh, thu nhập 1 tỷ đồng/năm. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Việc cải thiện đời sống là việc không hề dễ dàng, đòi hỏi rất nhiều nguồn lực khác nhau. Ở các thôn, bản làng đều rất cần có vốn và các nguồn lực khác để hỗ trợ trong phát triển nông thôn. Tuy nhiên, nguồn lực của Chính phủ chỉ có giới hạn nhất định bởi vậy cần xác định phương châm thực hiện là “hiệu quả hơn nhưng với nguồn lực ít hơn.”

Đây là phương châm chung mà Chính phủ cần phải quán triệt ngay từ đầu. Để đạt được điều đó Việt Nam cần phải làm thêm nhiều việc khác và tư duy lại về cách hỗ trợ cho phát triển nông thôn. Với những thành tựu mà Việt Nam đã có được trong phát triển nông thôn, thời gian tới Việt Nam sẽ đạt được những kết quả tốt hơn nữa.


- Ở Việt Nam, lao động chính trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng giảm do các ngành nghề khác có thu nhập hấp dẫn hơn. Ông có đánh giá gì về tình trạng này?

Ông JongHa Bae: Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà xảy ra ở nhiều nước châu Á cũng như nhiều nước trên thế giới. Vì hầu hết đa số lao động của các nước cũng phát triển ban đầu bằng nghề nông nghiệp. Nhưng với sự phát triển kinh tế thì ngành kinh tế nông nghiệp nói chung cũng giảm sự phát triển của nó. Đây không phải là xu hướng xấu mà là xu hướng tất yếu của sự phát triển kinh tế thế giới.

Chẳng hạn như Hàn Quốc, trước những năm 70 có khoảng 40% nông dân sống bằng nghề nông nghiệp, nhưng nay chỉ còn 5%. Chắc chắn, lực lượng lao động trong nông nghiệp của Việt Nam sẽ giảm nhanh, nhưng chúng ta cũng không nên quá lo ngại bởi vì mặc dù lực lượng lao động giảm nhưng năng suất và sản lượng vẫn tăng.

- Như ông đã nói, FAO cam kết luôn cùng với Chính phủ Việt Nam để giải quyết tình trạng đói nghèo. Xin ông cho biết cụ thể FAO sẽ hỗ trợ Việt Nam như thế nào?

Ông JongHa Bae: Từ năm 1978 đến nay, FAO đã hiện diện tại Việt Nam và luôn luôn sát cánh với Chính phủ trong các lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chừng nào Chính phủ Việt Nam có đề xuất với FAO thì với tư cách là một tổ chức liên chính phủ, FAO sẵn sàng hỗ trợ bằng nguồn lực sẵn có về cả kỹ thuật lẫn tài chính để trợ giúp cho Việt Nam.

Trong bối cảnh, Việt Nam đang trở thành đất nước có thu nhập trung bình, cộng với nguồn lực ODA từ cộng đồng quốc tế sẽ có sự giảm sút nhất định bởi vậy các cơ quan như FAO là cơ quan chuyên môn kỹ thuật của Liên hợp quốc vẫn sẵn lòng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam về chính sách và đối thoại chính sách, cùng những hỗ trợ khác có liên quan.

Với sứ mệnh của FAO là hỗ trợ cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, chống suy dinh dưỡng và nâng cao đời sống của người dân cho nên chúng tôi cam kết hỗ trợ những yêu cầu của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực này để Việt Nam đạt được mục tiêu đề ra.

- Xin cảm ơn ông!

 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục