FDI vẫn đổ vào Việt Nam dù căng thẳng Biển Đông

FDI vẫn có xu hướng đổ vào Việt Nam dù căng thẳng Biển Đông

Ngân hàng HSBC nhận định, dù có biến động tại Biển Đông nhưng các nhà đầu tư chính vẫn không thay đổi và dòng vốn FDI vẫn có xu hướng vào Việt Nam.
FDI vẫn có xu hướng đổ vào Việt Nam dù căng thẳng Biển Đông ảnh 1Sản xuất giày tại Công ty Pou Yuen Việt Nam. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN).

Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC (HSBC Global Research) vừa công bố bản báo cáo về kinh tế vĩ mô - Triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam số tháng 6/2014 với chủ đề "Cái nhìn cận cảnh về FDI và giao thương".

Theo báo cáo này, HSBC đánh giá, xét ảnh hưởng từ căng thẳng Biển Đông đến mối quan hệ kinh tế, đặc biệt là ngoại thương và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, báo cáo khẳng định các tác động kinh tế ngắn hạn từ căng thẳng địa chính trị sẽ tương đối hạn chế, ngoại trừ du lịch có thể chịu ảnh hưởng tương đối rõ nét.

Riêng về FDI, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong những năm qua vào Việt Nam đã giúp làm giảm các tác động tiêu cực lên quá trình tăng trưởng. Số vốn FDI vào Việt Nam khá lớn so với GDP, tỷ lệ đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư. Trong số vốn FDI đang có ở Việt Nam, đa phần đến từ các nhà đầu tư Nhật, Hàn Quốc, Mỹ và Đài Loan.

Tuy vốn FDI đăng ký từ Trung Quốc tăng lên trong những năm gần đây nhưng tổng vốn đầu tư từ Trung Quốc còn nhỏ. Vì thế mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc đơn thuần là mối quan hệ chuỗi cung ứng cấp 1 hơn là mối quan hệ đầu tư. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Phần lớn hàng hóa nhập từ Trung Quốc dùng là nguyên liệu cho sản xuất dệt may như vải sợi, bông và máy móc. Tuy nhiên, hàng tiêu thụ nhập khẩu từ Trung Quốc cũng khá lớn.

"Vì thế, nhìn từ gốc độ tăng trưởng, tác động ngắn hạn của những sự kiện gần đây sẽ tương đối ít. Ngành sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất là dịch vụ du lịch nhưng chỉ là tạm thời. Các nhà đầu tư chính vẫn không thay đổi và vốn FDI vẫn có xu hướng vào Việt Nam," báo cáo nhấn mạnh.

Hiện các nước Đông Nam Á (ASEAN), đặc biệt là Việt Nam và Indonesia có nhiều cơ hội hưởng lợi từ sự dịch chuyển nguồn vốn đầu tư khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam đang ở giữa ngã tư đường và đòi hỏi bước chuyển mình mạnh, nhất là cần tối đa tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu đầu vào để tăng cường quản lý chuỗi cung ứng của mình và giảm bớt sự phụ thuộc vào nguyên liệu từ Trung Quốc cũng như đáp ứng được yêu cầu của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, khi cả khối đầu tư công và tư nhân đang giảm, đầu tư nước ngoài rất quan trọng cho việc tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, các nhà đầu tư trong nước vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng đầu tư. Chỉ có một số ít quốc gia có thể phát triển kinh tế chỉ dựa trên đầu tư nước ngoài. Điều này có nghĩa là các khoản đầu tư trong nước trong thời gian tới cần phải hiệu quả hơn nữa để giảm sự phụ thuộc vào FDI.

Báo cáo cũng đề cập đến các triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam, trong đó các chuyên gia dự báo dù tăng trưởng chậm lại nhưng sản xuất vẫn sẽ tiếp tục mở rộng và giữ được tính cạnh tranh. Tuy nhiên, chi phí đầu vào tăng cao, tỷ lệ tăng trưởng việc làm thấp, vốn đối ứng trong nước thiếu hụt sẽ là những yếu tố thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam.

Điểm sáng rõ nét nhất của nền kinh tế, theo HSBC, là Chính phủ đang đẩy nhanh tốc độ cải cách thông qua cắt giảm lãi suất để hỗ trợ lực cầu trong nước. Tuy tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm chỉ mới ở mức 1,3% nhưng nhiều khả năng con số này sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm 2014.

"Nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất cho vay trên thị mở ở mức 5% đến cuối năm. Tuy nhiên vấn đề của Việt Nam không phải ở lãi suất mà là ở cơ cấu của nền kinh tế. Chúng tôi tin cơ cấu nền kinh tế sẽ trở nên tinh gọn và hiệu quả hơn để tăng tính cạnh tranh trong tương lai," báo cáo khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.