FDI vào Trung Quốc đạt 40,3 tỷ USD trong bốn tháng đầu năm

Theo báo cáo Chính phủ Trung Quốc, FDI vào nước này trong 4 tháng qua đạt 40,3 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ đầu tư từ các nước châu Á.
FDI vào Trung Quốc đạt 40,3 tỷ USD trong bốn tháng đầu năm ảnh 1Công nhân vận chuyển thép cuộn tại một chợ thép ở Qingdao, tỉnh Sơn Đông ngày 17/3 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Báo cáo của Chính phủ Trung Quốc cho thấy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc trong bốn tháng đầu năm nay đạt 40,3 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ đầu tư từ các nước ở châu Á tăng cao.

Theo Bộ Thương mại nước này, riêng trong tháng Tư vừa qua, lượng FDI (không bao gồm vốn đầu tư trong lĩnh vực tài chính) đã tăng 3,4% lên 8,7 tỷ USD, thấp hơn con số 12,24 tỷ USD trong tháng Ba năm nay.

Trong bốn tháng đầu năm nay, các nước đầu tư lớn nhất vào Trung Quốc gồm Singapore, vùng lãnh thổ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Hong Kong. Tuy nhiên đầu tư từ Nhật Bản đã giảm 46,8% xuống 1,6 tỷ USD, do các nhà đầu tư Nhật Bản lo ngại về tình hình căng thẳng giữa hai nước liên quan đến vấn đề tranh chấp biển đảo ở vùng Biển  Đông.

Ngoài ra, FDI từ Mỹ vào Trung Quốc đại lục cũng giảm 11,4% và chỉ đạt 1,2 tỷ USD. Tuy nhiên, Mỹ tiếp tục là một trong 10 nhà đầu tư lớn nhất vào thị trường Trung Quốc.

Đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc hồi phục trong năm 2013 và đạt 117,59 tỷ USD, nhưng đà tăng trưởng kinh tế của nước này giảm tốc có thể ảnh hưởng đến dòng vốn FDI đổ vào nước này năm nay. Trong khi đó, đầu tư ra bên ngoài của Trung Quốc trong bốn tháng đầu năm vào các lĩnh vực phi tài chính chỉ đạt 25,69 tỷ USD, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo Bộ Thương mại nước này, đầu tư của nước này vào Mỹ tăng 173,3% lên 1,7 tỷ USD và vào Liên minh châu Âu đạt 700 triệu USD, tăng 2,2%. Trong khi đầu tư Trung Quốc vào các quốc gia thuộc Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đạt 1,58 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước.

Còn đầu tư của Trung Quốc vào Hong Kong và Australia giảm lần lượt 41% và 0,7% so với cùng kỳ năm trước.

Chính quyền Bắc Kinh đang khuyến khích các công ty của họ đầu tư ra nước ngoài để đảm bảo các nguồn cung về nguyên vật liệu và tăng cường mua lại các công ty nước ngoài nhằm mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cũng như nâng cao kinh nghiệm quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.