Theo biên bản cuộc họp ngày 16-17/9 mới được công bố, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhất trí sẽ chỉ bắt đầu nâng lãi suất khi các số liệu kinh tế và lạm phát cho thấy đã đến thời điểm thích hợp, trong lúc lo ngại hơn về tác động của việc kinh tế châu Âu tăng trưởng yếu, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn, kinh tế Nhật Bản suy giảm, những rủi ro địa chính trị gia tăng và việc đồng USD mạnh lên đến triển vọng tăng trưởng của kinh tế Mỹ.
Fed nhấn mạnh quyết định về thời điểm nâng lãi suất sẽ phụ thuộc vào những đánh giá về việc nền kinh tế đã tiến đến gần đến đâu trong việc thực hiện mục tiêu tối đa hóa việc làm và đưa lạm phát lên mức 2%.
Trong hai năm qua, lạm phát ở mức thấp hơn nhiều so với mục tiêu, giúp Fed "rộng đường" duy trì mức lãi suất thấp kỷ lục trong nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế và tạo thêm việc làm. Số liệu Chính phủ Mỹ công bố tuần trước cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại nước này trong tháng Chín đã giảm xuống mức thấp nhất trong sáu năm là 5,9%, gần hơn với mục tiêu 5,2-5,5% mà Fed đề ra.
Một số quan chức Fed nói rằng tình trạng tăng trưởng kinh tế yếu và lạm phát thấp dai dẳng ở Khu vực sử dụng đồng euro có thể làm đồng USD tăng giá mạnh hơn, gây tác động tiêu cực đến xuất khẩu và gây sức ép lên lạm phát của Mỹ.
Trong khi đó, một số nói đến việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn, kinh tế Nhật Bản suy giảm và những diễn biến khó lường tại Trung Đông hay Ukraine có thể gây ra những tác động tương tự.
Để tránh gây ra hiểu nhầm về sự thay đổi căn bản trong chính sách lãi suất nếu có bất kỳ sự sửa đổi nào trong cách diễn đạt về định hướng lãi suất, Fed vẫn nhắc lại rằng việc tăng lãi suất sẽ không xảy ra trong một "thời gian đáng kể" sau khi kết thúc chương trình mua trái phiếu hàng tháng./.