Ngày 16/4, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chi nhánh New York, ông John Williams dự đoán nền kinh tế nước này cần 1 đến 2 năm để phục hồi sau các tác động của đại dịch COVID-19, thậm chí là lâu hơn nữa.
Trong khi đó, Chủ tịch FED chi nhánh Minneapolis, ông Neel Kashkari kêu gọi các ngân hàng lớn tăng vốn để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với dịch bệnh.
Trong một bài viết trên tờ The Financial Times, ông Kashkari nêu rõ: "Các ngân hàng lớn đang muốn là một phần trong những giải pháp dành cho cuộc khủng hoảng COVID-19. Điều tốt nhất họ có thể làm là ngừng trả cổ tức và tăng vốn sở hữu, để đảm bảo rằng họ có thể chống chọi được một cuộc suy thoái sâu."
Ông Kashkari nhấn mạnh rằng dù ngày nay, các ngân hàng của Mỹ đã có tỷ lệ vốn hóa cao hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhưng nếu đại dịch kéo dài có thể khiến họ tiếp tục đối mặt với rủi ro.
Theo ông Kashkari, trong kịch bản dịch nghiêm trọng, các ngân hàng lớn có thể mất hàng trăm tỷ USD vốn sở hữu. Ông cũng cho rằng nếu cuộc khủng hoảng không nghiêm trọng như dự báo, các ngân hàng có thể giải ngân vốn thông qua những hình thức mua lại và trả cổ tức.
Chủ tịch FED Atlanta Raphael Bostic nhận định các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ có thể cần tới 500 tỷ USD/tháng để đảm bảo "sống sót" qua dịch bệnh.
[Tổng thống Trump lên kế hoạch mở cửa nền kinh tế Mỹ theo 3 giai đoạn]
Hiện gói hỗ trợ tài chính mang tên "Chương trình đảm bảo chi trả" trị giá 350 tỷ USD dưới hình thức cho các doanh nghiệp nhỏ vay đã cạn tiền, trong khi cuộc thảo luận về việc mở rộng chương trình này đang gặp bế tắc tại Quốc hội Mỹ.
Cục Quản lý Doanh nghiệp nhỏ của Mỹ (SBA) thông báo đã cạn nguồn tài chính để đáp ứng nhu cầu hỗ trợ rất lớn đến từ các doanh nghiệp chịu tác động do dịch COVID-19.
Trong khi đó, Văn phòng Ngân sách của Quốc hội Mỹ (CBO) cùng ngày ước tính luật ứng phó với COVID-19 mà Quốc hội thông qua hồi tháng trước sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách liên bang khoảng 1.800 tỷ USD trong thập kỷ tới./.