Fed: Sản lượng sản xuất của Mỹ tăng tháng thứ hai liên tiếp

Sản lượng sản xuất đã tăng 0,1% trong tháng 2/2023, trái ngược với mức dự báo giảm 0,2% do các nhà kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) đưa ra trước đó.
Fed: Sản lượng sản xuất của Mỹ tăng tháng thứ hai liên tiếp ảnh 1(Ảnh minh họa. AFP/TTXVN)

Theo các số liệu do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố ngày 17/3, sản xuất tại các nhà máy của Mỹ đã bất ngờ tăng tháng thứ hai liên tiếp.

Tuy nhiên, ngành sản xuất tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng của lãi suất cao.

Sản lượng sản xuất đã tăng 0,1% trong tháng 2/2023, trái ngược với mức dự báo giảm 0,2% do các nhà kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) đưa ra trước đó.

Dữ liệu tháng Một cũng được Fed điều chỉnh, theo đó sản xuất tại các nhà máy tăng 1,3% thay vì mức tăng 1,0% được báo cáo trước đó. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, sản xuất của Mỹ đã giảm 1% trong tháng 2/2023.

Trong tháng 2/2023, sản lượng hàng tiêu dùng, thiết bị quốc phòng và vũ trụ cũng như vật liệu đều tăng. Tuy nhiên, sản xuất thiết bị kinh doanh, vật tư xây dựng và vật tư kinh doanh lại giảm.

Sản lượng sản xuất hàng hóa bền vững và phi bền vững lần lượt tăng 0,1% và 0,2%. Sản lượng khai thác giảm 0,6% trong tháng 2/2023 sau khi tăng 2% trong tháng trước đó, trong đó khoan giếng dầu khí giảm 3,1%. Sản xuất tiện ích tăng 0,5% sau khi giảm 10,1% trong tháng 1/2023 do nhiệt độ ôn hòa bất thường đã hạn chế nhu cầu sưởi ấm.

[Mỹ: Fed giảm áp lực tăng lãi suất khi tăng trưởng tiền lương hạ nhiệt]

Mức tăng nhỏ trong lĩnh vực sản xuất, cùng với sự gia tăng trong lĩnh vực tiện ích, đã bù đắp cho sự sụt giảm trong hoạt động khai thác, khiến sản lượng công nghiệp trong tháng 2/2023 nhìn chung không thay đổi so với tháng 1/2023. Sản lượng công nghiệp đã tăng 0,3% trong tháng 1/2023.

Dữ liệu của Fed cũng cho thấy công suất tại các nhà máy, thước đo mức độ sử dụng đầy đủ các nguồn lực của doanh nghiệp, đã giảm 0,1% xuống mức 77,6% trong tháng 2/2023, thấp hơn 0,6% so với mức trung bình dài hạn. Công suất sử dụng chung cho khu vực công nghiệp không thay đổi ở mức 78,0%, thấp hơn 1,6% so với mức trung bình giai đoạn 1972-2022.

Mức tăng liên tiếp trong sản xuất hàng hóa cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ vững chắc hơn trong quý đầu tiên, nhờ cải thiện chuỗi cung ứng và số lượng đơn đặt hàng phục hồi.

Tuy nhiên, triển vọng hoạt động của nhà máy sẽ bị thử thách bởi chi phí vay tăng, các nền kinh tế nước ngoài trì trệ và hàng tồn kho tăng cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.