Fed: Tình trạng dư thừa dầu mỏ toàn cầu sẽ kéo dài đến năm 2021

Dự báo tình trạng dư thừa dầu mỏ toàn cầu sẽ kéo dài ít nhất đến năm 2021 hoặc lâu hơn nữa nếu kinh tế phục hồi yếu hơn dự kiến do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Một mỏ dầu tại Texas, Mỹ. (Nguồn: Getty Images)
Một mỏ dầu tại Texas, Mỹ. (Nguồn: Getty Images)

Người đứng đầu Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại thành phố Dallas, bang Texas Robert Kaplan ngày 29/5 dự báo tình trạng dư thừa dầu mỏ toàn cầu sẽ kéo dài ít nhất đến năm 2021 hoặc lâu hơn nữa nếu kinh tế phục hồi yếu hơn dự kiến do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trả lời phỏng vấn báo giới, ông Kaplan cho biết: "Có thể phải đến nửa sau năm 2021, tùy vào tăng trưởng kinh tế, mới dùng hết lượng (dầu) dư thừa trên toàn cầu hiện nay. Và nếu kinh tế tăng trưởng chậm hơn, tình trạng này sẽ có thể kéo dài đến năm 2022."

[Giá dầu thế giới giảm do căng thẳng Mỹ-Trung về luật an ninh mới]

Các tác động kinh tế của dịch bệnh, các biện pháp phong tỏa đi lại và tình trạng thất nghiệp diện rộng đã góp phần khiến dầu mất giá 45% kể từ đầu năm, xuống mức thấp hơn cả chi phí sản xuất.

Các nhà sản xuất dầu khí Mỹ đã cắt giảm sản lượng xuống đến mức mà ông Kaplan dự báo là sẽ chỉ còn 10,8 triệu thùng/ngày vào tháng 12, thấp hơn năm ngoái khoảng 2 triệu thùng/ngày.

Các công ty năng lượng giảm trung bình 1/3 chi tiêu năm 2020, trong khi cắt giảm nhân công hàng loạt xảy ra trong toàn bộ ngành này.

Đầu tháng này, nhà cung cấp dịch vụ Halliburton Co thông báo sẽ cắt giảm 22% nhân viên tại trụ sở chính của công ty, đợt cắt giảm mạnh nhất trong các chi nhánh của công ty này ở Mỹ.

Công ty dầu mỏ lớn thứ 2 của Mỹ là Chevron Corp. ngày 27/5 cũng thông báo với nhân viên về việc cắt giảm 15% lực lượng lao động của công ty trên toàn cầu trong những tháng tới.

Theo ông Kaplan, nhiều công ty nhỏ hơn và những công ty không thể trả nợ sẽ không tồn tại được.

Ông cũng cảnh báo rằng sau những đợt cắt giảm mạnh nhân viên, việc đưa mọi người trở lại làm việc không hề dễ dàng.

Quan chức Fed này nhận định "đây từng là một thách thức trong quá khứ và sẽ có thể là một thách thức lớn hơn trong tương lai"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.