“Kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng tích cực hơn so với năm ngoái, đặc biệt thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, tập trung chủ yếu vào các ngành xuất khẩu và điện tử; dự trữ ngoại hối được tăng cường; nợ nước ngoài được kiểm soát chặt chẽ…” Đây là nhận định của các chuyên gia Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch tại diễn đàn kinh tế Việt Nam - “Fitch on Vietnam” diễn ra ngày 8/6 tại Hà Nội.
Phát biểu tại diễn đàn, bà Sagarika Chandra, Phó Giám đốc, Chuyên gia phân tích cao cấp của Fitch tại Việt Nam cho biết, tháng 5/2018, Fitch đã nâng xếp hạng nhà phát hành nợ dài hạn bằng ngoại tệ (IDR) của Việt Nam từ mức BB- lên BB với triển vọng ổn định, do dự trữ ngoại hối tăng kết hợp với tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.
“So với các nước mới nổi cũng như các nước đang được xếp hạng tín nhiệm BB khác, Việt Nam hiện có tốc độ tăng trưởng cao. Tăng trưởng GDP đạt trên 6% năm 2017 và vẫn tiếp tục được dự báo sẽ đạt mức 6,7% trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Đây là một trong những yếu tố quan trọng trong việc nâng xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam,” bà Sagarika Chandra nhận định.
[Động lực cho phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2018]
Cũng theo vị chuyên gia này, động lực chính để Fitch nâng xếp hạng đối với Việt Nam là sự duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, khả năng chống chọi với rủi ro bên ngoài mạnh hơn và đáp ứng được các tiêu chí về tài chính.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt từ đầu năm 2016 và cam kết hạn chế mức nợ quốc gia cũng như tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước (SOE).
Trong các yếu tố này, hoạt động kinh tế vĩ mô bền vững và tăng dự trữ ngoại hối là hai yếu tố quan trọng nhất trong quan điểm xếp hạng của Fitch.
Theo dự báo của Fitch, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,7% trong năm 2018, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương và nhanh nhất trong số các nước xếp hạng tín dụng BB.
Ngoài ra, tại diễn đàn, nhiều chuyên gia cũng đánh giá kinh tế Việt Nam hiện hội tụ nhiều điểm mạnh, kết hợp các yếu tố trong và ngoài nước, liên quan đến dòng đầu tư, lao động, năng suất các ngành nông nghiệp, chế biến, chế tạo… tạo nên một cấu trúc bền vững.
Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, kinh tế Việt Nam đang có nhiều triển vọng tích cực với sự ghi nhận của nhiều tổ chức quốc tế: Ngân hàng Thế giới (WB) cũng vừa nâng dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế lên mức 6,8% từ mức dự báo 6,5% trước đó.
“Theo tôi, còn hai yếu tố nữa khiến kinh tế Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn, đó là: tiêu dùng khu vực tư nhân tăng nhanh, khoảng 10% trong năm vừa qua, điều này đóng góp lớn vào GDP và ngoài nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài (FDI) thì nguồn vốn đầu tư tư nhân cũng đang tăng trưởng khá mạnh,” ông Lực nói rõ.
Bên cạnh những yếu tố tích cực, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã chỉ ra một vài rủi ro và thách thức đối với nền kinh tế nước ta trong thời gian tới: “Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao nên sẽ có nguy cơ chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài, như các cuộc chiến thương mại, giá dầu tăng cao, những bất ổn về địa chính trị…
Ngoài ra, chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới và tất nhiên, Việt Nam không nằm ngoài vòng ảnh hưởng ấy”./.