Tạp chí Forbes của Mỹ vừa nhận định Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư nóng nhất châu Á.
Trong năm 2018, Việt Nam đã nhận được 17 tỷ USD cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) - được cho là con số lớn nhất đối với một thị trường mới nổi so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 250 tỷ USD.
Trong quý 1/2018, Việt Nam là thị trường IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) lớn thứ tư trong khu vực, vượt cả Hàn Quốc, Singapore và Australia. Thị trường bất động sản tại Thành phố Hồ Chí Minh đang bùng nổ và GDP tăng trưởng khoảng 7% mỗi năm.
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) dự kiến đạt được trong những tháng tới sẽ đưa Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Bắt đầu từ năm 2020, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức Giải đua xe công thức một mới nhất.
[Việt Nam - điểm sáng trên bức tranh kinh tế châu Á năm 2019]
Forbes cho biết có nhiều lý do để có cái nhìn tích cực về dài hạn đối với triển vọng kinh tế Việt Nam.
Ban lãnh đạo Việt Nam đã thống nhất về tầm nhìn phát triển kinh tế tập trung vào việc cung cấp lao động hiệu quả cao phục vụ ngành sản xuất cho xuất khẩu cần nhiều lao động. Điều này đã thúc đẩy dòng vốn FDI kỷ lục - phần lớn từ các nền kinh tế châu Á phát triển hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Hơn 90% số vốn này dành cho sản xuất.
Việt Nam đã trở thành "mảnh ghép" không thể thiếu của nguồn cung toàn cầu từ điện thoại thông minh và điện tử đến cá da trơn và hạt điều.
Việt Nam cũng sẵn sàng tận dụng cơ hội từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra, khi các công ty nước ngoài tìm cách tái cấu trúc chuỗi cung ứng của họ.
Điểm mấu chốt trong câu chuyện tăng trưởng kinh tế Việt Nam là kế hoạch của chính phủ về “cổ phần hóa” hàng trăm doanh nghiệp nhà nước. Động thái này thu hút một loạt khoản đầu tư vào các lĩnh vực, đặc biệt là người tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe.
Đầu tư cho những lĩnh vực này thậm chí có thể tăng mạnh hơn nữa sau khi mới đây, Bộ Tài chính trình dự luật cho phép xóa bỏ hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với các công ty niêm yết - hiện ở mức 49%.
Ngoài ra, Việt Nam còn có lợi thế dân số trẻ, có học thức và đang nhanh chóng “đô thị hóa” với sức chi tiêu lớn chưa từng có. Do vậy, thật dễ hiểu khi các thương hiệu quốc tế như Apple, Starbucks và McDonalds đang "đặt cược lớn" vào thị trường Việt Nam, ngoài ra môi trường công nghệ của Việt Nam cũng đầy triển vọng phát triển./.