Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) ngày 26/11 cáo buộc các tàu của Ukraine đã chuẩn bị sẵn sàng pháo và chĩa vào các tàu Nga trong vụ đụng độ tại Eo biển Kerch trước đó một ngày.
Theo FSB, các tàu của Ukraine đã không làm theo yêu cầu của Nga về việc xin phép trước khi đi qua Eo biển Kerch.
FSB khẳng định các tàu hải quân Ukraine đã được đưa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu, pháo được trưng ra, nòng pháo được hướng lên góc 45 độ và chĩa thẳng vào các tàu của Liên bang Nga, vi phạm điều 19 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển.
FSB khẳng định phía Nga đã thông báo với các tàu hải quân Ukraine rằng việc đe dọa sử dụng vũ khí trong vùng biển của Nga sẽ bị coi là hành động vi phạm luật quốc tế và luật pháp Liên bang Nga.
[Biên phòng Nga bắt giữ 24 thủy thủ Ukraine tại Eo biển Kerch]
Tuyên bố của FSB cũng nêu rõ tàu tuần dương Izumrud của Nga đã bắn vào tàu Berdyansk của Ukraine vào tối 25/11 sau khi Kiev phớt lờ loạt bắn cảnh cáo từ Nga.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel thảo luận vụ đụng độ trên Biển Đen.
Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Putin đánh giá "những hành động khiêu khích từ phía Ukraine vi phạm thô bạo các chuẩn mực luật pháp quốc tế do các tàu chiến của nước này cố tình phớt lờ những nguyên tắc đi lại hòa bình trên vùng lãnh hải của Liên bang Nga.”
Ông Putin cũng nhấn mạnh rằng giới lãnh đạo Ukraine chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc tạo ra thêm một tình huống xung đột và các nguy cơ liên quan. Tất cả điều này được thực hiện có tính đến chiến dịch tranh cử tổng thống Ukraine sắp tới. Tổng thống Putin bày tỏ hy vọng rằng Berlin sẽ gây ảnh hưởng đối với chính quyền Ukraine nhằm tránh những hành động thiếu suy nghĩ trong tương lai.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cáo buộc Nga đã nâng cuộc xung đột với Kiev lên một cấp độ mới, sau khi Moskva bắt giữ ba tàu của Ukraine gần Crimea. Trong bài phát biểu trên sóng truyền hình, Tổng thống Poroshenko nêu rõ: "Sau khi tấn công các tàu quân đội Ukraine, (Nga) đã tiến vào một giai đoạn gây hấn mới." Theo ông, điều này "làm thay đổi tình hình" vì Nga từng bác bỏ quân đội chính quy có liên quan tới xung đột tại Ukraine.
Trước đó, hôm 25/11, lực lượng biên phòng trực thuộc FSB đã bắt giữ ba tàu hải quân Ukraine trên Biển Đen khi các tàu này tìm cách xâm nhập trái phép lãnh hải Nga. Các tàu này đã không đáp ứng yêu cầu của lực lượng biên phòng Nga dừng ngay việc thâm nhập trái phép mà còn có những hành động nguy hiểm. Do đó, phía Nga đã phải buộc phải sử dụng vũ khí đối với các tàu này. Cả ba tàu của Ukraine đã bị bắt giữ và trong đụng độ có ba quân nhân nước này bị thương và được hỗ trợ y tế.
Phản ứng trước sự việc trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ không hài lòng với những diễn biến căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết ông đang làm việc với các nhà lãnh đạo châu Âu nhằm tìm kiếm một giải pháp cho tình hình hiện nay giữa Nga và Ukraine.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã kêu gọi Nga thả các tàu hải quân và thủy thủ Ukraine bị bắt giữ cách đây một ngày ở gần bán đảo Crimea. Phát biểu họp báo sau cuộc họp khẩn của NATO theo đề nghị của Ukraine, một nước không phải thành viên của NATO, Tổng Thư ký Stoltenberg nêu rõ mọi đồng minh đều hoàn toàn ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Theo ông Stoltenberg, Nga cần cho phép toàn bộ tàu thương mại được toàn quyền tiếp cận các cảng của Ukraine.
Từ London, Thủ tướng Anh Theresa May đã nhấn mạnh lập trường rõ ràng của Anh là các tàu phải được tự do đi qua Eo biển Kerch tới các hải cảng của Ukraine ở biển Azov. Bà kêu gọi tất cả các bên hành động kiềm chế và Nga cần tránh sử dụng vũ lực lớn hơn với Ukraine.
Trong khi đó, Văn phòng tổng thống Ukraine cho biết Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cam kết với Tổng thống Petro Poroshenko qua điện thoại rằng bà sẽ nỗ lực bằng mọi giá để giải quyết những mâu thuẫn giữa Nga và Ukraine.
Bộ Ngoại giao Cộng hòa Séc cũng đã ra tuyên bố lên án việc Nga sử dụng vũ lực đối với các tàu hải quân Ukraine. Trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Séc Tomas Petricek mong muốn Liên minh châu Âu (EU) ra tuyên bố chung về vấn đề này và Cộng hòa Séc sẵn sàng ủng hộ và tham gia các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với vụ việc./.