Theo lộ trình khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), thuế nhập khẩu sẽ cắt giảm mạnh, nhưng người tiêu dùng có thể không được hưởng lợi do trong nước còn nhiều thuế và phí khác.
Thông tin tại hội thảo "FTA Việt Nam-Hàn Quốc, cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu," do Bộ Công Thương tổ chức sáng 14/7, bà Bùi Kim Thùy, Phó Trưởng phòng xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, sau khi ký kết FTA, chưa khi nào người tiêu dùng trong nước có thể mua hàng hóa của Hàn Quốc lại rẻ như bây giờ.
Tuy nhiên, bà Thùy cho rằng, nếu giá một số mặt hàng chưa tốt thì lỗi không phải do người đi đàm phán hiệp định này mà do trong nước còn nhiều loại thuế và phí khác như: Thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và rất nhiều loại phí khác...
"Hầu hết các mặt hàng tiêu dùng, thông thường thì thuế sẽ giảm dần về 0% theo lộ trình, còn nếu người tiêu dùng thắc mắc phải mua ô tô, mỹ phẩm Hàn Quốc vẫn ở mức cao thì xin khẳng định là trong nước có rất nhiều thuế, nếu thuế giảm đi một đồng thì có thể nhà nước sẽ tìm cách để bù lại những khoản đó," bà Thúy nói.
Bà Thùy cũng nhấn mạnh, quy tắc xuất xứ luôn luôn là yếu tố quan trọng nhất trong tất cả các hiệp định thương mại tự do, đây là công cụ để xác định hàng hóa nhập khẩu có được hưởng thuế quan ưu đãi hay không.
Theo ông Phạm Khắc Tuyên, Trưởng phòng Đông Bắc Á, Vụ Châu Á Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), với hơn 95% dòng thuế được cắt giảm, Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Hàn Quốc vừa được ký kết được kỳ vọng sẽ đem lại cơ hội xuất khẩu lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Điều đáng nói là số dòng thuế mà phía Hàn Quốc cắt giảm cho Việt Nam nhiều hơn số dòng thuế họ cắt giảm cho các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam (như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan...) khoảng 5%, giúp tăng đáng kể sức cạnh tranh, khả năng thâm nhập của hàng Việt vào thị trường Hàn Quốc.
Việt Nam cũng là đối tác đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang... Đặc biệt, cam kết miễn thuế mặt hàng tôm của Việt Nam với lượng hạn ngạch 10.000 tấn/năm và tăng dần lên đến mức 15.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, ông Tuyên cũng lưu ý, do đa số doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ nên kinh nghiệm về thị trường còn hạn chế, do vậy khi xuất khẩu cần chú ý về xuất xứ hàng hóa, đặc biệt là đảm bảo chất lượng, An toàn vệ sinh thực phẩm...
Đại diện Vụ Châu Á Thái Bình Dương cũng chia sẻ kinh nghiệm, doanh nghiệp Hàn Quốc rất ưa hình thức nên khi đưa tài liệu nhằm quảng bá sản phẩm cho phía bạn cần đưa thiết kế và mẫu mã cũng như có thông tin bằng tiếng Anh nhằm giới thiệu sản phẩm một cách bắt mắt.
Hơn nữa, khi đã quan tâm tới sản phẩm thường doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ đi vào thẳng vấn đề về giá, do vậy doanh nghiệp trong nước cần chuẩn bị kỹ lưỡng để tránh làm mất cơ hội kinh doanh.
Theo thống kê của phía Hải quan, tính đến tháng 11/2014 đã có trên 13.000 doanh nghiệp Việt Nam thực hiện hoạt động xuất khẩu sang Hàn Quốc, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2014 đạt 30 tỷ USD và dự tính có thể đạt 70 tỷ USD vào năm 2020.
"Dự tính, quan hệ thương mại Việt Nam-Hàn Quốc sẽ có bước tiến xa hơn khi FTA có hiệu lực, bởi các cam kết mở của hiệp định sẽ tạo ra sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam," ông Phạm Khắc Tuyên nói./.