G20: Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, lãi suất thấp là chưa đủ

G20 cam kết sẽ hành động kiên quyết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu và cố gắng kiềm chế các động thái tiền tệ có tác động tiêu cực sau quyết định bất ngờ phá giá đồng nội tệ của Trung Quốc.
G20: Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, lãi suất thấp là chưa đủ ảnh 1(Nguồn: financialexpress)

Ngày 5/9, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã khép lại cuộc họp kéo dài hai ngày tại thủ đô Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) với một tuyên bố chung, trong đó cam kết sẽ hành động kiên quyết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu và cố gắng kiềm chế các động thái tiền tệ có tác động tiêu cực sau quyết định bất ngờ phá giá đồng nội tệ của Trung Quốc hồi tháng trước.

G20 cảnh báo việc dựa dẫm vào tỷ lệ lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng cân bằng là không đủ.

Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp, các nhà lãnh đạo trong G20 tin tưởng kinh tế thế giới sẽ quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trong tương lai. Và trong bối cảnh kinh tế đi lên, một số nền kinh tế tiên tiến sẽ nâng lãi suất.

Đại diện các nền kinh tế G20 cho rằng tăng trưởng kinh tế thế giới đang chậm hơn kỳ vọng, cho dù tăng trưởng đang ngày một vững tại một số nền kinh tế.

Theo nhận định của Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde, kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với một thử thách lớn mang tên tăng trưởng yếu và không đồng đều.

Mặc dù không đề cập đến tình hình kinh tế Trung Quốc song các thành viên G20 đưa ra cam kết rõ ràng rằng sẽ không áp dụng các biện pháp phá giá tiền tệ nhằm đem lại lợi thế không công bằng cho lĩnh vực xuất khẩu trong nước.

Các nền kinh tế G20 cũng tuyên bố sẽ điều chỉnh thận trọng và truyền đạt rõ ràng các hành động của nhóm nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực, giảm nhẹ những bất ổn và thúc đẩy sự minh bạch giữa lúc các nền kinh tế chủ chốt đang tìm kiếm tăng trưởng mạnh mẽ.

Trong một tín hiệu gửi tới Trung Quốc, G20 cam kết sẽ "kiềm chế phá giá đồng tiền và chống lại các hình thức bảo hộ." Tuyên bố chung nhấn mạnh: "Chúng tôi tái khẳng cam kết tiến tới các hệ thống tỷ giá hối đoái do thị trường quyết định và tránh tình trạng mất liên kết về tỷ giá.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew đã nhấn mạnh với người đồng cấp Trung Quốc bên lề cuộc họp rằng cần thiết phải cải thiện việc truyền đạt chính sách kinh tế và tránh "phá giá tiền tệ cạnh tranh."

Trong khi đó, giới thị trường cũng bắt đầu lo ngại trước những đồn đoán về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Mỹ đã duy trì tỷ lệ lãi suất ở mức gần 0% kể từ năm 2008 nhằm hỗ trợ đà phục hồi kinh tế.

Trong khi các chuyên gia kinh tế nhận định tình trạng "khỏe mạnh" hiện nay của kinh tế Mỹ có thể khiến Fed tính đến việc tăng lãi suất thì cái gọi là "nhấc từ con số 0" có thể hút thanh khoản từ các các thị trường mới nổi.

Về phía Trung Quốc, Bộ trưởng Tài chính nước này Lâu Kế Vĩ, trong một tuyên bố sau cuộc họp, đã khẳng định nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang bước vào một trạng thái “bình thường mới” và dự đoán kinh tế nước này sẽ tăng trưởng khoảng 7% trong vòng 4-5 năm tới.

Bên cạnh đó, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, Ngân hàng trung ương) Chu Tiểu Xuyên cũng cho hay hiện không có cơ sở nào cho thấy đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục mất giá trong dài hạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.