Các Bộ trưởng Tài chính từ Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 13/10 đã nhất trí tán thành thỏa thuận toàn cầu nhằm cải cách hệ thống thuế doanh nghiệp và cam kết duy trì chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế, đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình lạm phát.
Theo thông báo chính thức được công bố sau cuộc họp của G20, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G20 cũng nhất trí ủng hộ đề xuất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong việc thiết lập một quỹ tín thác mới để cung cấp một phần trong lượng “Quyền rút vốn đặc biệt” trị giá 650 tỷ USD được phân bổ cho các nước thành viên IMF cho các nước thu nhập thấp, các nước thu nhập trung bình “dễ bị tổn thương” và các nước nhỏ đang phát triển khác.
Dù kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, nhưng thông báo của G20 lưu ý rằng sự phục hồi này vẫn còn "chênh lệch lớn” giữa các nước, và dễ bị ảnh hưởng bởi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 cũng như tốc độ tiêm vaccine không đồng đều.
Thông báo cho biết trước những nguy cơ hiện tại, "G20 sẽ tiếp tục duy trì đà phục hồi, tránh việc rút lại quá sớm các biện pháp hỗ trợ, đồng thời bảo vệ sự ổn định tài chính và sự bền vững về tài khóa trong dài hạn.”
Trước áp lực lạm phát đang gia tăng do tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng và thiếu hụt nguồn cung giữa lúc các nền kinh tế đang nỗ lực để bình thường hóa, các lãnh đạo G20 cho biết ngân hàng trung ương các nước đang "theo dõi sát sao các động lực hiện tại đối với lạm phát.”
[G20 thúc đẩy cải cách tổ chức WTO toàn diện và minh bạch]
Theo thông báo của G20, "các ngân hàng trung ương sẽ hành động nếu cần thiết để thực hiện nhiệm vụ của mình, trong đó có ổn định giá, xem xét áp lực lạm phát tạm thời và vẫn cam kết sẽ truyền đạt rõ ràng các quan điểm chính sách.”
Các Bộ trưởng Tài chính G20 cũng cam kết sẽ tìm cách giải quyết tình trạng thiếu hụt các công cụ để phòng chống dịch COVID-19 tại các nước thu nhập thấp và trung bình trong những tháng tới, trong đó có vaccine, thuốc điều trị và các công cụ chuẩn đoán.
Các Bộ trưởng Tài chính G20 đang nhóm họp tại Washington bên lề hội nghị thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), diễn ra chỉ vài ngày sau khi 136 quốc gia đã đồng ý tham gia thỏa thuận toàn cầu, theo đó đánh thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% và tái phân bổ một phần quyền đánh thuế các tập đoàn đa quốc gia lớn sinh lời cao cho các nước, nơi các tập đoàn này bán hàng hóa và dịch vụ.
Các lãnh đạo G20 đã tán thành thỏa thuận thuế nói trên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đồng thời kêu gọi nhanh chóng xây dựng "các quy định mẫu" để hướng dẫn các nước thi hành thỏa thuận này, và “đảm bảo rằng các quy định mới này sẽ có hiệu lực ở cấp độ toàn cầu vào năm 2023”./.