Ngày 31/3, các bộ trưởng thương mại Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tuyên bố sẽ vạch ra kế hoạch hành động liên quan đến dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong 2 tuần tới, nhằm giải quyết vấn đề nợ cho những nước nghèo nhất cũng như viện trợ tài chính cho các nền kinh tế đang phát triển.
Tại cuộc họp trực tuyến lần thứ hai, các bộ trưởng thương mại G20 đã thảo luận về cách Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) có thể giải quyết tình trạng thiếu tiền mặt tại các thị trường mới nổi, sau khi số vốn lên tới 83 tỷ USD tại các quốc gia này bị “chảy” ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, các nước thuộc G20 cũng sẽ làm việc với Ban ổn định Tài chính của nhóm, được thành lập sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, để phối hợp các biện pháp giám sát và đưa ra quy định nhằm ứng phó với dịch COVID-19.
Các nhóm làm việc dự kiến sẽ hoàn thiện chi tiết kế hoạch trước thềm cuộc họp tiếp theo của nhóm vào ngày 15/4. Đây cũng là thời điểm diễn ra Hội nghị mùa Xuân của IMF và WB.
Tuần trước, lãnh đạo các nước G20 đã cam kết chi hơn 5.000 tỷ USD để hạn chế thiệt hại từ dịch bệnh đối với việc làm và thu nhập, đồng thời nỗ lực hạn chế việc gián đoạn nguồn cung do chính sách đóng cửa biên giới của các nước.
Cả IMF và WB đều kêu gọi các bên chủ nợ hành động khẩn cấp để tạm ngừng việc thanh toán nợ cho những nước dễ bị tổn thương nhất, trong đó có một số quốc gia đã chịu ảnh hưởng nặng từ việc giá dầu lao dốc.
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva đã hoan nghênh các bước đi của G20, song vẫn tỏ ra quan ngại về viễn cảnh ảm đạm đối với tăng trưởng toàn cầu trong năm nay, đặc biệt là nguy cơ suy thoái tại các thị trường mới nổi và những quốc gia có thu nhập thấp.
Trong một diễn biến khác, Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA) ngày 31/3 cảnh báo các hãng hàng không toàn cầu sẽ chỉ có thể bắt đầu phục hồi từ cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từ trước đến nay do dịch COVID-19 vào cuối quý 4 năm 2020. Song tổ chức này nói rằng bất kỳ sự phục hồi nào cũng sẽ khó duy trì nếu dịch bệnh bùng phát trở lại vào mùa Đông.
Nhiều hãng hàng không lớn đều đang gặp khó khăn khi dịch COVID-19 đã khiến ngành này bị thiệt hại tới 61 tỷ USD chỉ riêng trong quý 1 năm 2020 do hoạt động hàng không bị giảm tới 70%.
IATA dự báo các hãng hàng không sẽ chịu lỗ ròng lên tới 39 tỷ USD trong quý này, khi phần lớn máy bay phải ngừng hoạt động do hạn chế đi lại và các lệnh phong tỏa.
IATA hy vọng các biện pháp kích thích của chính phủ và các ngân hàng trung ương có thể giúp kích cầu trong quý 4, sau khi lệnh phong tỏa có thể giảm dần trong quý III năm nay.
Tuy nhiên, IATA cũng cảnh báo các hãng hàng không sẽ đối mặt với khó khăn trong ngắn hạn, do nền kinh tế đã gần như rơi vào suy thoái.
[G20 cam kết đảm bảo nguồn cung ứng vật tư y tế, dòng chảy thương mại]
Ngân hàng trung ương của nhiều nước ở khu vực châu Phi cận Sahara đã điều chỉnh giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2020, do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với nền kinh tế khu vực có thể nghiêm trọng hơn dự kiến.
Ghana, một trong mười nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, đã cảnh báo rằng những tác động bất lợi của dịch COVID-19 đối với tăng trưởng, cùng với giá cả hàng hóa giảm mạnh, sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động kinh tế tại đây.
Ngân hàng Trung ương Ghana đã dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ “hạ nhiệt” xuống mức 5% trong năm nay, thậm chí có thể xuống 2,5% trong trường hợp xấu nhất, do tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đến nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô và hoạt động sản xuất trong nước.
Nam Phi, nền kinh tế có tỷ lệ công nghiệp hóa cao nhất tại châu Phi, cũng hạ dự báo tăng trưởng sau khi xem xét ảnh hưởng từ dịch COVID-19.
Trong một cuộc họp thường kỳ vào đầu tháng Ba, Ngân hàng Dự trữ Nam Phi đã dự báo nền kinh tế quốc gia sẽ giảm 0,2% trong năm 2020. Kinh tế Nam Phi vốn đã trải qua giai đoạn “suy thoái kỹ thuật” sau cuộc khủng hoảng năng lượng hồi năm ngoái.
Trong một tuyên bố được đưa ra vào ngày 24/3, Ngân hàng Trung ương Nigeria nói rằng tình trạng lây lan nhanh chóng của COVID-19 và sự suy giảm giá dầu hiện nay là những “cơn gió ngược” đối với nền kinh tế nước này.
Đà tăng trưởng của Nigeria dự kiến sẽ yếu hơn trong năm nay. Tuy nhiên, ngân hàng này tin rằng các rủi ro có thể được giảm thiểu nếu các cơ quan tài chính phản ứng kịp thời và chính phủ thúc đẩy đa dạng hóa nền kinh tế.
Các nước Đông Phi cũng đã đưa ra dự báo khá ảm đạm. Ngân hàng Trung ương Kenya cho biết dịch COVID-19 dự kiến sẽ khiến tăng trưởng trong năm nay giảm đáng kể, xuống còn 3,4% so với ước tính 6,2% trước đó.
Điều này là do nhu cầu từ các đối tác thương mại chính của Kenya suy giảm, gây gián đoạn cho chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất trong nước./