Sau một thời gian “lặng lẽ,” thời gian gần đây các gameshow về âm nhạc đang trở lại màn ảnh nhỏ với nhiều format khá ấn tượng, đầy màu sắc tươi mới, được công chúng đón nhận nồng nhiệt, có thể kể đến như “Ca sỹ mặt nạ,” “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” và mới đây là “Anh trai say hi” cùng “Anh trai vượt ngàn chông gai.”
Được ưu ái phát sóng hầu hết trong các khung giờ “vàng,” các chương trình này không chỉ “phát hiện” những tài năng âm nhạc mới, mà còn quy tụ nhiều giọng ca đẳng cấp, thu hút được người xem không chỉ trên sóng truyền hình mà còn trên các nền tảng trực tuyến.
Âm nhạc không phải là tất cả
Khác với các chương trình biểu diễn ca nhạc hay các cuộc thi hát đơn thuần, gameshow âm nhạc là một chương trình hội tụ nhiều yếu tố khác nhau, trong đó âm nhạc không phải là tất cả.
Có nhiều điều khiến khán giả trông đợi ở một chương trình gameshow như: Vũ đạo, diễn xuất, giọng hát và cả quá trình tập luyện cho khoảnh khắc tỏa sáng trên sân khấu. Các gameshow cũng hút khách nhờ khai thác những khía cạnh đời thường của các khách mời. Qua những tâm sự của các nghệ sỹ, người xem có cơ hội hiểu rõ hơn về cuộc sống của họ đằng sau ánh đèn sân khấu, những áp lực, căng thẳng mà họ phải đối mặt trong quá trình tham gia gameshow và cách họ vượt qua tất cả để cống hiến cho khán giả.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung cho rằng những năm gần đây, các nhà sản xuất gameshow có sự đầu tư lớn cho chất lượng âm nhạc. Cụ thể, khi khách mời cover (hát lại) một ca khúc cũ, thì đôi khi bản phối khí mới có thể được khán giả tìm nghe nhiều hơn cả bản gốc.
Ngoài phần âm nhạc, êkip sản xuất còn chú trọng phần hình ảnh và yếu tố thực tế của chương trình. Khi mỗi tập lên sóng, công chúng như được xem một phim ngắn về nghệ sỹ khách mời, ở đó có kịch bản, có cao trào, khai thác cá tính riêng của từng người.
Nhạc sỹ Hứa Kim Tuyền cũng cùng nhận định đó. Anh cho rằng mỗi nhà sản xuất hay giám đốc âm nhạc có một gu âm nhạc khác nhau, do đó, các gameshow cũng sẽ có chất riêng để thu hút khán giả.
Với “Anh trai vượt ngàn chông gai,” chương trình thành công khi có những khách mời không phải là ca sỹ mà là cầu thủ, diễn viên, vận động viên nhưng có khả năng hát… Quá trình tập luyện phía sau sân khấu cũng những khoảnh khắc đời thường đã gây bất ngờ cho chính những khán giả đã yêu mến họ từ nhiều năm trước.
Cá nhân Hứa Kim Tuyền nhận thấy một điểm nổi bật trong các gameshow gần đây là sự tập hợp các nghệ sỹ thành một nhóm nhạc khi công diễn.
“Các ca sỹ Việt Nam thường có xu hướng biểu diễn solo, khác với hình thức nhóm nhạc rất thịnh hành trong K-Pop. Với tư duy nhóm nhạc, nhiều điều thú vị có thể xảy ra. Người hâm mộ thấy bất ngờ khi dàn nghệ sỹ nổi tiếng team up (lập thành đội), cover những bài mà có lẽ họ sẽ không bao giờ cover nếu hát một mình,” Hứa Kim Tuyền nhận định.
‘Gia vị’ drama: Nêm hay không?
Sau những thành công vang dội, nhiều gameshow ca nhạc đã rơi vào bi kịch của sự nhàm chán do chính nội dung mà nhà sản xuất xây dựng. “Vietnam Idol,” “Ca sỹ mặt nạ” đều từng bị đánh giá là thiếu hấp dẫn so với giai đoạn đầu.
Một số chương trình cũng bị “điểm trừ” vì vướng lùm xùm, tranh cãi đến từ chính các khách mời. Tiêu điểm là “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” với những ẩn ý “bằng mặt không bằng lòng” giữa các "chị đẹp" dẫn đến việc người hâm mộ “khẩu chiến” trên các nền tảng mạng xã hội. “Rap Việt” mùa 3 cũng gây tranh cãi dữ dội về chất lượng thí sinh.
Chia sẻ về vấn đề này, nhạc sỹ-nhà sản xuất âm nhạc Only C cho rằng sự khắt khe của khán giả buộc nhà sản xuất phải đổi mới “thực đơn” gameshow giải trí.
Only C cho rằng mỗi tập gameshow là một chương trình được thực hiện qua rất nhiều khâu, có kịch bản, đạo diễn, kỹ thuật quay dựng, hiệu ứng hình ảnh như một bộ phim, do đó sẽ có những đoạn cao trào hay còn gọi là drama, vấn đề là “nút thắt” có mang ý nghĩa tích cực không, có phải là một tình huống thật không hay chỉ là một chiêu trò dàn dựng. Anh cho rằng chỉ có nhà sản xuất và người trong cuộc mới có thể trả lời câu hỏi này.
Only C cho rằng việc duy trì sức hấp dẫn qua nhiều mùa là một thách thức, việc khán giả so sánh chương trình năm nay với năm trước là điều tất yếu.
Vẫn biết chiêu trò là thứ “gia vị” khó có thể thiếu trong gameshow, song nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung cho rằng nhà sản xuất không nên khai thác nhiều drama mà chỉ nên tập trung vào những câu chuyện có ý nghĩa, có nội dung, chẳng hạn như hành trình hoàn thiện bản thân của nghệ sỹ…
Ra mắt gameshow thử thách 'KOL' quốc tế sáng tạo nội dung về Việt Nam
“Khán giả ngày càng khó tính và khắt khe hơn, do đó, nhà sản xuất thừa hiểu rằng chiêu trò không còn phù hợp nữa. Nếu một chương trình truyền hình thực tế sử dụng quá nhiều drama thì sẽ bị đánh giá là coi thường khán giả nên đa số các đơn vị không tạo drama mà tập trung vào chất lượng nội dung,” nhạc sỹ nhận định.
Chung quan điểm, nhạc sỹ-ca sỹ Kai Đinh cho rằng yếu tố quan trọng làm nên sức hấp dẫn của gameshow là dàn khách mời, do đó nhà sản xuất nên đầu tư vào nội dung, để các nghệ sỹ tỏa sáng bằng khả năng của họ.
Kai Đinh nhận thấy những năm gần đây, chất lượng âm nhạc trong gameshow được nâng lên rõ nét.
“Khoảng 5-7 năm trước, khán giả nghe trực tiếp có thể thấy hay nhờ năng lượng khi hát live của nghệ sỹ nhưng với khán giả truyền hình thì chưa chắc đã mãn nhĩ. Hiện nay, với một êkip sáng tạo hùng hậu, khán giả theo dõi qua màn hình cũng sẽ thấy thỏa mãn cả phần nghe và phần nhìn,” Kai Đinh đánh giá.
Nói về cách duy trì tính hấp dẫn qua các mùa, Kai Đinh chia sẻ dưới góc nhìn của khán giả rằng anh mong chờ yếu tố bất ngờ, chẳng hạn một sự kết hợp mà mình không ngờ đến, hoặc một nghệ sỹ phô diễn kỹ năng đặc biệt trên sân khấu sẽ mang lại sự bất ngờ thú vị./.