Trong hai ngày 15-16/12, tại tỉnh Thanh Hóa, Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm dự án “Trồng rừng ngập mặn - Giảm thiểu rủi ro thảm họa” giai đoạn 2011-2015.
Hội nghị đánh giá kết quả 5 năm thực hiện dự án trồng rừng ngập mặn; chia sẻ các kinh nghiệm, mô hình hay; nêu ra kiến nghị, giải pháp cho giai đoạn tiếp theo.
Tại hội nghị, các địa phương, đơn vị tham gia dự án đã trao đổi về thực trạng, định hướng quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ngập mặn.
Đa số đại biểu đều nhất trí kiến nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ công tác trồng, bảo vệ rừng ngập mặn; xây dựng cơ chế xã hội hóa trong đầu tư, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng ngập mặn trong đó gắn quyền và trách nhiệm của cộng đồng trong hoạt động đặc biệt này.
Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam, các bộ, ngành Trung ương, Hiệp hội Chữ thập Đỏ-Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Hội Chữ thập Đỏ Nhật Bản, các hội quốc gia khác tiếp tục hỗ trợ triển khai nhiều dự án về phát triển rừng ngập mặn, rừng đầu nguồn và quản lý rủi ro thiên tại dựa vào cộng đồng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đoàn Văn Thái, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam ghi nhận kết quả của Dự án đã góp phần đáng kể vào thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển đến năm 2020 của Hội trong phòng ngừa và ứng phó thảm họa.
Đồng thời góp phần nâng cao khả năng tổ chức hoạt động giảm thiểu rủi ro, năng lực tự phục hồi do tác động của biến đổi khí hậu của của các cấp Hội và cộng đồng dễ bị tổn thương; giảm thiểu số người chết, bị thương, giảm thiệt hại về kinh tế và sinh kế do thảm họa gây ra; tăng cường khả năng ứng phó, phục hồi sau thảm họa.
Dự án “Trồng rừng ngập mặn - Giảm thiểu rủi ro thảm họa” giai đoạn 2011-2015 được Hội Chữ thập Đỏ Nhật Bản tài trợ 215 triệu yen thông qua Hiệp Hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế triển khai trên 205 xã thuộc 8 tỉnh ven biển (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) và 2 tỉnh miền núi (Vĩnh Phúc, Hòa Bình) tại Việt Nam.
Dự án đặt mục tiêu đảm bảo an toàn cho những cộng đồng dễ bị tổn thương, giúp họ tự phục hồi nhanh trước rủi ro thảm họa và biến đổi khí hậu.
Dự án hướng đến những hoạt động cụ thể như hỗ trợ cộng đồng nâng cao năng lực quản lý rừng ngày càng hiệu quả, mở rộng hoạt động trồng rừng; tiếp tục phát triển, nâng cao năng lực tự bảo vệ của các xã dự án trước rủi ro thảm họa, tác động biến đổi khí hậu; tăng cường năng lực của Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam để xây dựng, thực hiện hiệu quả, bền vững những chương trình quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng.
Sau 5 năm thực hiện, Dự án đã tổ chức chăm sóc, bảo vệ trên 9.000ha rừng ngập mặn, trên 700ha tre và phi lao; trồng mới 107,6ha rừng ngập mặn và 25,6ha rừng phòng hộ; củng cố, kiện toàn và lập kế hoạch hoạt động lại cho 97 đội bảo vệ rừng; tập huấn kỹ năng quản lý, bảo vệ rừng và trang bị các thiết bị cơ bản để chăm sóc và bảo vệ rừng cho 1.415 thành viên đội bảo vệ rừng của các tỉnh thực hiện Dự án.
Dự án đã nâng cao năng lực cho 365 cán bộ Hội về lập kế hoạch, quản lý dự án và quản lý tài chính, gây quỹ, quản lý tình nguyện viên…; tổ chức 124 lớp tập huấn nâng cao năng lực về quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng và biến đổi khí hậu cho hơn 3.000 cán bộ chính quyền và người dân địa phương, trên 13.000 giáo viên và học sinh của 124 xã.
Bên cạnh việc thành lập đội ứng phó thảm họa cấp cộng đồng tại 76 xã, dự án còn cung cấp thiết bị bảo hộ cơ bản cho 21 xã; xây dựng 78 tiểu công trình giảm thiểu rủi ro thảm họa; đánh giá tình trạng và khả năng dễ bị tổn thương tại 97 xã thuộc 57 huyện.
Đã có 56 khóa tập huấn sinh kế được tổ chức; 55 xã được sửa chữa, nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm. Việc diễn tập phòng, chống thiên tai trên 87 xã dự án; tuyên truyền kiến thức về giảm thiểu rủi ro thảm họa, biến đổi khí hậu … cho trên 10, 2 triệu người. Đến nay, số người hưởng lợi từ dự án lên tới gần 10,8 triệu người.
Dự án trồng rừng ngập mặn được Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam thực hiện hơn 20 năm qua. Những năm đầu, dự án tập trung nhiều vào việc trồng rừng; từ năm 2010 đến nay, việc xây dựng cộng đồng an toàn, triển khai hoạt động giảm thiểu rủi ro thảm họa được trú trọng.
Ngày 16/12, các đại biểu sẽ được trải nghiệm và tham quan công trình giảm nhẹ rủi ro thảm họa tại huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa)./.