Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến ngày 20/8, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 16,8 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Xu hướng giảm vốn đăng ký mới tiếp diễn trong 8 tháng khi tổng vốn đăng ký đạt 6,35 tỷ USD, giảm 43,9% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, vốn đăng ký tăng thêm (7,5 tỷ USD, tăng 50,7% so với cùng kỳ) và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại (đạt 2,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ) tiếp tục là trụ đỡ cho dòng vốn FDI.
Nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhưng trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu suy giảm trước những diễn biến gần đây của thế giới như căng thẳng Nga-Ukraine, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát leo cao... thì dòng vốn FDI mới chảy vào các quốc gia Đông Nam Á sẽ có những tác động nhất định. Nhà đầu tư trở nên dè dặt và cẩn trọng hơn với các quyết định đầu tư mới.
Mặc dù, vốn đăng ký mới chưa phục hồi hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch năm 2021 song vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong 8 tháng vẫn đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tín hiệu cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới.
Trong số 21 ngành kinh tế, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành. Công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 10,7 tỷ USD, chiếm 63,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.
[Kỳ vọng hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp ôtô]
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,3 tỷ USD, chiếm 19,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ; thông tin truyền thông với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 620,8 triệu USD và 518,9 triệu USD.
Nếu xét về số lượng dự án mới thì bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 30,3%, 25,3% và 16,1% tổng số dự án.
Hiện đã có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2022.
Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,53 tỷ USD, chiếm 27% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 27% so với cùng kỳ 2021; Hàn Quốc đứng thứ hai với trên gần 3,5 tỷ USD, chiếm gần 21% tổng vốn đầu tư, tăng 43,7% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần trên 1,49 tỷ USD, chiếm 10,8% tổng vốn đầu tư.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 53 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 8 tháng đầu năm 2022. Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,7 tỷ USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Bình Dương đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 2,64 tỷ USD, chiếm 15,7% tổng vốn, tăng 57,9% so với cùng kỳ. Bắc Ninh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,75 tỷ USD, chiếm 10,4% tổng vốn và tăng gấp gần 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Tính lũy kế đến ngày 20/8/2022, cả nước có 35.539 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên trên 430 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 264,4 tỷ USD, bằng 61,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng trong 8 tháng đầu năm 2022 với mức tăng cao hơn 7 tháng. Xuất khẩu, kể cả dầu thô ước đạt trên 184,66 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ, chiếm 73,9% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt gần 183 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ, chiếm 73,2% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Tính chung trong 8 tháng năm 2022, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu trên 23,4 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu trên 21,7 tỷ USD không kể dầu thô./.