Gần 20% diện tích lãnh thổ Việt Nam nhiễm bom mìn sau chiến tranh

Tỷ lệ đất đai nhiễm bom mìn của Việt Nam là trên 6,1 triệu hecta, chiếm 18,71% diện tích lãnh thổ, thế nhưng, nhiều địa phương chưa thực sự chú trọng đến quản lý thu gom, xử lý bom mìn, vật liệu nổ.
Gần 20% diện tích lãnh thổ Việt Nam nhiễm bom mìn sau chiến tranh ảnh 1(Ảnh minh họa: Trọng Đức/TTXVN)

Hiện nay, tỷ lệ đất đai nhiễm bom mìn của Việt Nam là trên 6,1 triệu hecta, chiếm 18,71% diện tích lãnh thổ, tập trung nhiều ở các tỉnh khu vực miền Trung. Thế nhưng, nhiều địa phương chưa thực sự chú trọng đến quản lý thu gom, xử lý bom mìn, vật liệu nổ để xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Đây là thông tin được đưa ra tại họp báo Thông tin về công tác khắc phục hậu quả bom mìn ở Việt Nam, hướng tới ngày Thế giới phòng, chống bom mìn (ngày 4/4) do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 30/3, tại Hà Nội.

Xảy ra 33 vụ nổ kho đạn

Tại buổi họp báo, liên quan tới việc quản lý bom đạn, vật liệu nổ sau thu gom trong thời gian gần đây, đặc biệt là vụ nổ xảy ra tại kho phế liệu ở thôn Quan Độ (Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh) xảy ra sáng 3/1/2018, Đại tá Nguyễn Văn Tín, Phó Cục trưởng Cục tuyên huấn (Bộ Quốc phòng) cho biết, các đơn vị liên quan thực hiện điều tra, xử lý, tuy nhiên, tới nay vẫn chưa có kết luận chính thức về vụ nổ kho phế liệu xảy ra ở Bắc Ninh.

Đại tá Nguyễn Văn Tín  nhấn mạnh: “Chúng ta sống trong đất nước thượng tôn pháp luật. Vì vậy, việc điều tra xử lý các vụ việc vừa qua, chúng tôi thực hiện cẩn thận, chắc chắn, và sẽ xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm.”

[Đến năm 2020 hoàn thành khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học]

Từ vụ nổ xảy ra tại kho phế liệu ở Bắc Ninh, phóng viên đã đặt câu ra câu hỏi có hay không việc các vật liệu nổ do quân đội quản lý bị đưa ra ngoài bán cho các hộ kinh doanh phế liệu? 

Trả lời câu hỏi của báo chí, Đại tá Nguyễn Văn Tín cho biết , sau các vụ việc xảy ra, đặc biệt là vụ nổ ở Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội) và Bắc Ninh, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo quyết liệt; đồng thời, Bộ Quốc phòng đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm trong toàn ngành về quản lý kho đạn dược và bom mìn thu gom sau rà phá. 

“Bom mìn, vật liệu nổ sau xử lý, thu gom có biểu hiện thất thoát, mất cắp. Nhưng hiện đang là nghi vấn, phải đợi điều tra và kết luận cụ thể mới khẳng định được,” Đại tá Nguyễn Văn Tín nói.

Theo đại diện Cục Tuyên huấn, từ ngày thành lập quân đội đến nay có 33 vụ cháy nổ kho đạn, nhưng tỷ lệ này so với các nước vẫn rất ít. Nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ do tự nổ vì xuống cấp, nóng, điều kiện cất giữ, bất cẩn, phá hoại của các thế lực thù địch... Bên cạnh đó, với tinh thần tiết kiệm, lượng đạn thu giữ được của địch hiện nay vẫn đang sử dụng để huấn luyện, với thời gian đa số khoảng 30 năm.

Gần 20% diện tích lãnh thổ Việt Nam nhiễm bom mìn sau chiến tranh ảnh 2 Họp báo thông tin về công tác khắc phục hậu quả bom mìn ở Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Có vấn đề trong xử lý vật liệu nổ?

Trước đó  vào ngày 3/1, sau tiếng nổ đinh tai, một phần diện tích thôn Quan Độ (Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh) bị san phẳng. Sáu người được đưa tới bệnh viện, trong đó hai em bé tử vong trước khi nhập viện. Sáu căn nhà mái ngói cấp bốn đổ sập và bị khoét thành hố sâu khoảng 10m. Hơn 10 căn nhà kiên cố xung quanh cũng bị giật tung mái, sập tường, đồ đạc bên trong vỡ vụn.

Đại diện Bộ Tư Lệnh Công binh cho biết, xét theo góc độ quản lý nhà nước, việc buôn bán phế liệu thuộc phạm vi quản lý của ủy ban nhân dân các tỉnh. Từ vụ việc ở Bắc Ninh cũng không loại trừ các hộ kinh doanh phế liệu thu mua được các loại vật liệu nổ sau xử lý còn sót lại.

“Pháp luật hiện hành nghiêm cấm buôn bán bom mìn, vật liệu nổ. Tuy nhiên, công tác quản lý chung của các địa phương còn nhiều vấn đề”, đại diện Bộ Tư Lệnh Công binh nói.

Đại diện Bộ Tư Lệnh Công binh cũng khẳng định, quy trình xử lý bom đạn, vật liệu nổ rất nghiêm ngặt, qua hình thức hủy nổ hoặc đốt do Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn thực hiện. Những năm qua công việc này được làm hết sức chặt chẽ và theo quy trình.

Từ sau chiến tranh, Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm rà phá bom mìn, trong đó có một số chương trình được các nước tài trợ, giúp đỡ. Tuy vậy, mức độ ô nhiễm bom mìn của Việt Nam vẫn còn rất lớn. 

Theo khảo sát toàn quốc thực hiện năm 2014, có 49/63 tỉnh thành có các tai nạn liên quan tới bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh, với 1.813 nạn nhân. Trong đó có 919 người chết, hơn 800 người bị thương.

Ngày 4/4 được Liên hợp quốc lấy làm Ngày thế giới phòng chống bom mìn. Hưởng ứng chương trình này, năm nay Việt Nam sẽ tổ chức nhiều sự kiện để nâng cao ý thức, trách nhiệm của xã hội với hoạt động phòng chống bom mìn và giúp đỡ các nạn nhân như: Míttinh, diễu hành, triển lãm ảnh, giao lưu truyền hình.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục