Sau một năm triển khai chương trình giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long và khu di tích Cổ Loa do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thực hiện, đã có 19.086 học sinh tham gia.
Ngoài ra, số lượng học sinh tham quan tự do cũng rất đông, ở cả hai khu di tích khoảng gần 100.000 em.
Đây là con số được đưa ra tại Hội nghị sơ kết chương trình giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long và khu di tích Cổ Loa do hai đơn vị này tổ chức ngày 28/8.
Hai chương trình nổi bật "Em làm khảo cổ" và "Em tìm hiểu di sản" là hai hướng tiếp cận mới trong công tác giáo dục di sản, tránh được lối mòn cũ bằng việc tạo ra những chương trình bổ ích, lý thú, chơi mà học - học mà chơi, giúp các em chủ động khám phá, tìm hiểu di sản thông qua các hoạt động tương tác, trải nghiệm, góp phần rèn luyện kỹ năm quan sát, sưu tầm, thuyết trình, làm việc nhóm, rèn luyện các phẩm chất cần cù, kiên trì, sáng tạo, tỉ mỉ.
Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội đã xây dựng các chuyên đề giáo dục lịch sử phù hợp với từng cấp học gắn các bài học lịch sử vào chương trình tìm hiểu di sản với các chủ đề như Kể chuyện Hoàng thành Thăng Long; lịch sử triều Lý, Trần, Lê; nhân vật sự kiện hai vị Tổng đốc Thành Hà Nội; di tích cách mạng chống Mỹ cứu nước trong Khu di sản Hoàng thành Thăng Long; khám phá lịch sử thành-hào Cổ Loa, kiến trúc thành Cổ Loa…
[Nhiều hoạt động văn hóa truyền thống tại Hoàng thành Thăng Long]
Cùng với đó, Trung tâm tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm tái hiện văn hóa truyền thống của cha ông như Tết Việt, Tết Đoan ngọ, Vui Tết Trung thu, thi Đình, triển lãm trò chơi dân gian Việt Nam… để phục vụ chương trình giáo dục di sản, thu hút khách tham quan và học sinh tham gia.
Đặc biệt, tại các chương trình này còn có nhiều khu vực tương tác và hoạt động trải nghiệm dành riêng cho học sinh các cấp.
Ông Nguyễn Thanh Quang, Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội cho biết, để phục vụ học sinh đến tìm hiểu, tham gia các hoạt động tại Hoàng thành Thăng Long và khu di tích Cổ Loa, Trung tâm cũng thường xuyên mời các nhà nghiên cứu, nhà sử học như giáo sư Lê Văn Lan; giáo sư, tiến sỹ Trịnh Sinh; phó giáo sư, tiến sỹ Tống Trung Tín… cùng các nghệ nhân Ánh Tuyết, Lân Tuyết… tới nói chuyện chuyên đề, giao lưu với học sinh, giúp các em có thêm kiến thức về văn hóa, lịch sử của dân tộc.
Với những nỗ lực của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội, chương trình đã góp phần đưa di sản tiếp cận thế hệ trẻ, giúp học sinh thêm hiểu, yêu di sản, trân trọng các giá trị truyền thống, văn hóa lịch sử của cha ông để lại và bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho các em học sinh.
Chương trình đã góp phần tăng cường mối liên kết giữa di sản với nhà trường, giữa di sản với gia đình, góp phần nâng cao trách nhiệm của cộng đồng và thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, bảo tồn những di sản quý giá của dân tộc.
Thông điệp bảo vệ di sản từ đó được lan tỏa trong cộng đồng và thế hệ tương lai./.