Tỷ lệ tham gia thị trường của phụ nữ ở Việt Nam ở mức đáng khen ngợi, cao hơn mức trung bình của toàn cầu và khu vực. Mặc dù có mức độ hoạt động kinh tế của phụ nữ cao nhưng Việt Nam vẫn đang đối mặt với những thách thức về đảm bảo bình đẳng trong chất lượng việc làm giữ lao động nữ và lao động nam.
Phụ nữ dần dịch chuyển khỏi nông nghiệp
Tỷ lệ tham gia thị trường lao động của phụ nữ Việt Nam ở mức cao đáng kể. Năm 2019, 70,9% phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động. Tỷ lệ tương ứng ở cấp độ toàn cầu là 47,2%, và tỷ lệ ở châu Á-Thái Bình Dương thậm chí còn thấp hơn, ở mức 43,9%. Ngoài ra, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ Việt Nam còn khi cao so sánh tương quan với tỷ lệ tham gia của nam giới. Chênh lệch về tỷ lệ tham gia giữa nam và nữ ở Việt Nam đạt trung bình 9,5% trong thập kỷ qua, trong khi toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mức trung bình trong cùng thời kỳ là trên 32%.
Sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Việt Nam đã kéo theo sự chuyển dịch đáng kể trên thị trường lao động. Chỉ 10 năm trước, việc làm nông nghiệp chiếm đến hơn nửa số lao động nữ ở Việt Nam, nhưng giờ đây điều này không còn đúng.
Số liệu thống kê năm 2019 cho thấy nông nghiệp chiếm 36,1% việc làm của nữ giới. Dịch vụ là ngành có tỷ trọng việc làm của nữ giới lớn nhất so với các ngành khác (36,8%), trong khi khoảng 1/4 (25,4%) nữ giới làm việc trong ngành công nghiệp mà hầu hết là trong lĩnh vực sản xuất. So với nữ giới, việc làm của nam giới được phân bổ đồng đều hơn, với mỗi lĩnh vực sử dụng gần đúng 1/3 lực lượng lao động nam.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đã trải qua một quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nhanh song phụ nữ vẫn có xu hướng tham gia các hoạt động nông nghiệp tự sản tự tiêu cao hơn nam giới. Những số liệu chỉ ra rằng phụ nữ có xu hướng làm trong ngành nông nghiệp cao hơn nam giới, cho dù chỉ là chênh lệch chút ít.
Đặc biệt, hiện nay phụ nữ có tỷ lệ làm việc trong nông nghiệp tự sản tự tiêu cao hơn so với nam giới. Phần lớn phụ nữ làm việc trong ngành nông nghiệp trên thực tế tham gia vào các hoạt động nông nghiệp tự sản tự tiêu, chiếm đến 85,9%. Tỷ trọng tương ứng trong việc làm nông nghiệp của nam giới là 59,2%.
Gánh nặng kép cản trở lao động nữ
Nguyên tắc trả lương bình đẳng cho công việc có giá trị như nhau là một khía cạnh quan trọng của bình đẳng trong thế giới việc làm, như chỉ tiêu SDG 8.5 đã nhấn mạnh. Việt Nam đã cam kết theo đuổi nguyên tắc này khi phê chuẩn Công ước số 100 về trả lương bình đẳng.
Xét trung bình, phụ nữ ở Việt Nam có mức thu nhập thấp hơn so với nam giới nhưng vẫn thấp hơn so với toàn cầu. Năm 2019, chênh lệch thu nhập theo giới tính tính theo phương pháp trung bình trọng số dựa trên tiền lương hàng tháng của Việt Nam là 13,7%. Đây là mức chênh lệch tương đối thấp so với con số toàn cầu mới nhất (20,5%).
Bà Valentina Barcucci, Chuyên gia Kinh tế Lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho biết nghiên cứu “Giới và thị trường lao động ở Việt Nam: Phân tích dựa trên số liệu điều tra lao động-việc làm” chỉ ra rằng xét trung bình chất lượng việc làm của phụ nữ thấp hơn của nam giới. Lao động nữ chiếm đa số trong các công việc dễ bị tổn thương, đặc biệt là công việc gia đình. Họ có mức thu nhập thấp hơn nam giới, bất luận số giờ làm giữa hai giới là tương đương và dần xóa bỏ chênh lệch giới về trình độ học vấn. Phụ nữ cũng không đảm nhiệm nhiều vị trí ra quyết định so với nam giới.
[Nghị quyết Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030]
Mặc dù rất tích cực tham gia hoạt động kinh tế, nhưng phụ nữ đồng thời cũng phải gánh vác trách nhiệm gia đình một cách không tương xứng dẫn đến những bất bình đẳng trong công việc và tiền lương. Theo nghiên cứu của ILO, phụ nữ dành nhiều giờ gấp đôi nam giới để phục vụ cho gia đình mình, chẳng hạn như dọn dẹp, nấu nướng, hoặc chăm sóc các thành viên trong gia đình và con cái. Hầu như mọi phụ nữ đều tham gia vào các hoạt động này hàng tuần.
Gánh nặng kép thể hiển hiện khá rõ từ kết quả phân tích số giờ hàng tuần mà các đối tượng bỏ ra để làm việc nhà, ngoài số giờ làm công việc chính của họ. Trong số những người tham gia làm việc nhà, phụ nữ dành trung bình 20,2 giờ/tuần và nam giới dành trung bình 10,7 giờ/tuần. Gần 20% nam giới thậm chí không hề dành chút thời gian nào cho việc nhà.
Chuyên gia của ILO cho rằng, việc phụ nữ có thể theo đuổi công việc ổn định, cơ hội nghề nghiệp hoặc nâng cao kỹ năng tay nghề ở mức độ liên tục là điều phi thực tế, nếu như họ phải gánh vác một lượng trách nhiệm gia đình không tương xứng.
Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam cho rằng: “Chúng ta có thể làm nhiều hơn tốt hơn để thúc đẩy sự tham gia và lãnh đạo của phụ nữ trong đời sống công bằng một số giải pháp như cải thiện các khuôn khổ pháp lý, đặc biệt là thông qua việc áp dụng, thực thi các hạn ngạch về giới. Giải quyết các định kiến xã hội và bạo lực đối với phụ nữ trong khu vực công và tư nhân, tăng cường nguồn lực tài trợ và nâng cao năng lực của phụ nữ.”
“Trong phạm vi gia đình, tôi khuyến khích nam giới không chỉ tặng hoa cho phụ nữ trong ngày 8/3 mà hãy luôn tôn trọng và chia sẻ các trách nhiệm gia đình với phụ nữ hàng ngày,” bà Elisa Fernandez Saenz nhấn mạnh./.