Gạo ST25 của Việt Nam đã thâm nhập vào thị trường Nhật Bản

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản hy vọng người tiêu dùng Nhật Bản sẽ đón nhận gạo ST25 và có thêm nhiều sản phẩm gạo Việt Nam sẽ thâm nhập thành công vào thị trường này.
Gạo ST25 của Việt Nam đã thâm nhập vào thị trường Nhật Bản ảnh 1(Ảnh minh họa: Hồng Điệp/TTXVN)

Ngày 30/6, tại thủ đô Tokyo, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long đã phối hợp với Ngân hàng Kiraboshi tổ chức lễ ra mắt sản phẩm gạo ST25 mang thương hiệu A An mà công ty đã đưa thành công vào thị trường Nhật Bản.

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam đánh giá cao nỗ lực của Ngân hàng Kiraboshi và Tập đoàn Tân Long trong việc đưa sản phẩm gạo chất lượng cao ST25 vào một thị trường có tiêu chuẩn cao như Nhật Bản.

Đại sứ nói: “Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Gạo Việt Nam đã có mặt ở hơn 100 thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên gạo ST25 của Việt Nam có mặt tại thị trường Nhật Bản. Việc xuất khẩu gạo ST25 sang thị trường Nhật Bản là một minh chứng cho thấy Việt Nam không chỉ xuất khẩu gạo nhiều mà còn xuất khẩu gạo ngon, đáp ứng được các tiêu chuẩn rất cao của thị trường Nhật Bản."

Nhân dịp này, Đại sứ bày tỏ hy vọng người tiêu dùng Nhật Bản sẽ đón nhận gạo ST25 và có thêm nhiều sản phẩm gạo Việt Nam sẽ thâm nhập thành công vào thị trường này.

Về phần mình, ông Nguyễn Chánh Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long, cho biết công ty đã bắt đầu tập trung vào việc sản xuất gạo ở đồng bằng sông Cửu Long từ năm 2017, với mô hình bao tiêu lúa canh tác trực tiếp từ nông dân. Ông Trung khẳng định: “Việc hợp tác giữa doanh nghiệp và người nông dân đã mang lại sản phẩm gạo sạch, đủ tiêu chuẩn xuất sang Nhật Bản. Điều này không chỉ góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm mà còn giúp tăng thu nhập cho người nông dân."

Trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam bên lề sự kiện, Đại sứ Vũ Hồng Nam nói: “Để đưa được gạo ST25 vào thị trường Nhật Bản, chúng ta phải vượt qua hơn 600 tiêu chuẩn kỹ thuật. 600 tiêu chuẩn kỹ thuật là một yêu cầu rất khắt khe, cộng vào đó là sự khó tính của người tiêu dùng Nhật Bản. Vì vậy, tôi cho rằng đây là một thành công rất lớn của người sản xuất cũng như các nhà thương mại đã đưa được gạo ST25 vào thị trường Nhật Bản."

[Bảo vệ thương hiệu gạo ST24 và ST25: Quản lý thị trường vào cuộc]

Theo ông Nguyễn Chánh Trung, công ty đã đưa thị trường Nhật Bản vào kế hoạch xuất khẩu cách đây 1 năm khi lần đầu tiên cho ra mắt gạo ST25 tại thị trường nội địa. Ông cho biết: "Khi tham gia vào thị trường Nhật Bản, chúng tôi không đặt mục tiêu về số lượng mà muốn tiếp cận các đối tượng khách hàng cụ thể và lựa chọn đối tác thương mại phân phối bán lẻ có uy tín."

Gạo ST25 của Việt Nam đã thâm nhập vào thị trường Nhật Bản ảnh 2Sự kiện ra mắt thương hiệu gạo A An-Việt Nam tại thị trường Nhật Bản.

Theo Tập đoàn Tân Long, tại thị trường Nhật Bản, sản phẩm gạo ST25 mang thương hiệu A An sẽ được nhập khẩu bởi Công ty Suntomi International và sau đó sẽ được Công ty Spice House phân phối trong các siêu thị và cửa hàng.

Ông Khorow Hassanzadeh, Chủ tịch Công ty Trách nhiệm hữu hạn Spice House - đơn vị phân phối gạo ST25 ở Nhật Bản, cho biết gạo ST25 đã từng đạt danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới” vào năm 2019 và được nhiều người tin dùng. Vì vậy, Spice House đã phối hợp với Ngân hàng Kiraboshi và công ty nhập khẩu để đưa sản phẩm này tới người tiêu dùng Nhật Bản. Spice House đã đưa gạo ST25 ra bày bán ở một số cửa hàng cách đây 3 tuần và cho đến nay đã tiêu thụ được 8 tấn.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, lần gần đây nhất gạo Việt Nam trúng thầu xuất khẩu sang Nhật Bản là năm 2012. Sau đó, gạo Việt Nam bị phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép nên không được các công ty Nhật Bản đưa vào danh sách tham gia đấu thầu nữa. Vì vậy, kể từ đó đến nay, gạo Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản chủ yếu qua đường phi mậu dịch với số lượng không đáng kể và chủ yếu được dùng chế biến thực phẩm.

Số liệu thống kê của Hải quan Nhật Bản cho thấy năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Nhật Bản chỉ đạt 48,7 triệu yen, tăng 73% so với năm 2020 nhưng chỉ chiếm khoảng 0,09% trong tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của Nhật Bản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.