Gạo Việt tại thị trường Anh đều mang thương hiệu của nhà phân phối

Để tạo ra đột phá thị trường lớn hơn nữa, tăng cường vị thế bền vững cho gạo Việt Nam, ngành lúa gạo Việt Nam cần triển khai một chiến lược thương hiệu phù hợp với từng thị trường.
Gạo Việt tại thị trường Anh đều mang thương hiệu của nhà phân phối ảnh 1Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Anh năm 2020 đã tăng ngoạn mục 116% về lượng và 106% về trị giá so với năm 2019. (Ảnh: TTXVN)

Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh cho biết, hiện nay hầu hết sản phẩm gạo của Việt Nam được tiêu thụ tại thị trường Anh đều mang thương hiệu của nhà phân phối, không mang thương hiệu của vùng trồng lúa hay thương hiệu của nhà xuất khẩu Việt Nam.

Lý giải nguyên nhân này, theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh, nguyên nhân là do nhà xuất khẩu chưa làm thương hiệu hoặc nhà phân phối sở tại cho rằng, thương hiệu riêng của họ có hiệu quả marketing hơn thương hiệu của nhà xuất khẩu Việt Nam, nhất là khi thương hiệu gạo Việt Nam không được người tiêu dùng sở tại biết đến.

Do đó, gạo Việt Nam được bán tại Anh quốc với các thương hiệu Longdan, Golden Lotus, Buffalo (của Longdan Supermarket), Green Dragon (của Westmill UK) và Red Ant (của MediFood).

Trong khi đó, các sản phẩm mang thương hiệu của nhà phân phối mà không mang thương hiệu của nhà sản xuất lại là một trong những tập quán kinh doanh thông thường tại Anh, được Luật pháp nước này cho phép.

[Xuất khẩu gạo quý 1 giảm về lượng, đâu là nguyên nhân?]

Bởi vậy, trong môi trường cạnh tranh có lợi cho người nhập khẩu sở tại hơn người xuất khẩu nước ngoài, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam thường sẵn sàng chấp thuận xuất gạo không có thương hiệu và để cho nhà phân phối sử dụng thương hiệu riêng.

Chính vì thế, để có thể tạo ra đột phá thị trường lớn hơn nữa, tăng cường vị thế bền vững cho hạt gạo Việt Nam trên thị trường Anh cũng như các thị trường lớn khác, ngành lúa gạo Việt Nam cần triển khai một chiến lược thương hiệu phù hợp với từng thị trường.

Cùng với đó, chương trình thương hiệu quốc gia cần lựa chọn một số chủng loại gạo chất lượng cao có sản lượng lớn để đặt tên theo hướng đơn giản, dễ nhớ, dễ phát âm và gắn với địa danh nơi trồng lúa.

Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh cũng lưu ý doanh nghiệp có thể gắn thương hiệu đi liền với địa danh như gạo Sóc Trăng Việt Nam hay tên người tạo ra giống lúa là gạo Ông Cua để có thể đăng ký bảo hộ thuận lợi tại nước ngoài.

Bởi trường hợp gạo ST25 là ví dụ điển hình, tuy đã được giải thưởng là gạo ngon nhất thế giới năm 2019 nhưng rất ít người dân Anh biết đến và không có nhiều hiệu quả marketing trên thị trường nước này.

Thống kê từ Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Anh năm 2020 đã tăng ngoạn mục 116% về lượng và 106% về trị giá so với năm 2019. Tuy nhiên, thị phần gạo Việt Nam tại Anh chỉ chiếm 0,43% năm 2019 và 0,45% năm 2020.

Đáng lưu ý, trong năm 2020, khối lượng gạo nhập khẩu vào Anh đã tăng thêm 13,5% từ  671.601 tấn (năm 2019) lên 762.526 tấn; trong đó, gạo nhập từ Việt Nam tăng từ 1.296 tấn (trị giá 1.295.000 USD) lên 3.396 tấn (trị giá 2.670.000 USD) trong cùng thời gian./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục