Gặp khó tiến độ, nhiều dự án điện gió khó hưởng giá ưu đãi

Thời điểm hưởng mức giá ưu đãi chỉ còn hơn 2 tháng, song đến nay vẫn còn hàng loạt dự án điện gió nối lưới vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thử nghiệm, vận hành.
Thi công đường dây 110 KV Thạnh Hải- Bình Thạnh (dự án nhà máy điện gió số 5) do Công ty cổ phần Tân Hoàn Cầu làm chủ đầu tư tại xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, Bến Tre. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)
Thi công đường dây 110 KV Thạnh Hải- Bình Thạnh (dự án nhà máy điện gió số 5) do Công ty cổ phần Tân Hoàn Cầu làm chủ đầu tư tại xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, Bến Tre. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)

Theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg về phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, giá mua điện ưu đãi được áp dụng cho các dự án điện gió nối lưới có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021.

Tuy nhiên, thời điểm hưởng mức giá ưu đãi chỉ còn hơn 2 tháng, song đến nay vẫn còn hàng loạt dự án chưa đáp ứng yêu cầu thử nghiệm, vận hành.

Báo cáo từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây cho thấy, đến ngày 3/8, đã có 106 nhà máy điện gió với công suất hơn 5.600 MW gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm đề nghị công nhận vận hành thương mại.

Để có thể đáp ứng điều kiện hạn nộp hồ sơ chạy thử nghiệm thu, chuẩn bị đề nghị công nhận ngày vận hành thương mại (COD) trước thời điểm 31/10/2021, chủ đầu tư các nhà máy điện gió phải gửi văn bản, hồ sơ theo quy định cho bên mua điện là EVN muộn nhất là ngày 3/8/2021. Vì thế, đã có việc các hồ sơ đăng ký dồn dập lên tới 106 dự án.

Nhưng, để đi vào vận hành thương mại, các dự án này sẽ phải trải qua công đoạn thử nghiệm, đánh giá phức tạp. Bên cạnh đó, còn nhiều dự án tiếp tục gặp khó trong giải phóng mặt bằng.

Theo đại diện Hiệp hội Điện gió tỉnh Bình Thuận, việc thi công điện gió phức tạp hơn nhiều so với điện Mặt Trời. Ngoài ra, dịch COVID-19 khiến cho nhiều nước, nhiều doanh nghiệp tạm dừng sản xuất, không thể cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị thi công.

Các nhà thầu cũng không thể đảm bảo tiến độ thi công trước thời hạn trên.

Cùng quan điểm trên, ông Lê Anh Tùng, đại diện Công ty Ecotech từng nêu rõ, các dự án gặp nhiều khó khăn về mốc hưởng ưu đãi vào cuối tháng 10 tới.

Gặp khó tiến độ, nhiều dự án điện gió khó hưởng giá ưu đãi ảnh 1Trang trại điện gió Trung Nam tại huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Hiện nay, các dự án đã được triển khai không thể dừng đầu tư hay thi công được. Nhưng, nếu tiếp tục đầu tư, xây dựng mà không kịp thời hạn thì thực sự khó khăn vì sẽ không có mức giá điện để thanh toán, mua bán.

Do vậy, việc tiếp tục kéo dài thời hạn giá FIT điện gió là rất cần thiết. Bởi, những rào cản liên quan đến thực hiện dự án điện gió nhiều và phức tạp hơn so với điện Mặt Trời, đó là chưa kể đến các yếu tố kỹ thuật, tiến độ giao hàng chậm…

[Cơ chế nào để thu hút vốn tư nhân cho tăng trưởng xanh?]

Một doanh nghiệp điện gió tại Quảng Trị cho hay, đáp ứng tiến độ để hưởng giá ưu đãi là khó, bởi hiện doanh nghiệp này đang vướng mặt bằng, chưa giải phóng được. Vì thế, tiến độ thi công bị chậm, chưa kể mùa mưa bão đến gần cũng sẽ khiến việc thi công gặp khó khăn.

Các chuyên gia nhận định, sẽ rất khó để toàn bộ 106 dự án đưa danh sách chạy thử nghiệm được vận hành thương mại trước ngày 1/11 tới. Dự kiến, dự án chạy thử nghiệm được vận hành thương mại sẽ chỉ đạt từ 50-60% con số trên.

Một dự án điện gió nếu không kịp hoàn thành, hòa lưới điện để hưởng giá ưu đãi thì thiệt hại sẽ là rất lớn trong thời gian chờ có cơ chế giá mới. 

Bởi lẽ, mỗi dự án điện gió được đầu tư hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng. Ngoài các chi phí lãi vay, việc bảo trì, vận hành dự án cũng tốn khoản chi phí không nhỏ.

Mới đây, các địa phương Trà Vinh, Sóc Trăng, Gia Lai… đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kéo dài thời gian của Quyết định 39/2018/QĐ-TTg thêm từ 3-6 tháng nữa trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay.

Theo các địa phương, một số dự án không kịp hoàn thành để đưa vào vận hành thương mại trước tháng 11/2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến tiến độ cung cấp tua-bin bị chậm.

Thời gian thi công lắp đặt kéo dài, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh của chuyên gia nước ngoài bị gián đoạn.

Ngoài ra, việc vận chuyển các thiết bị điện gió siêu trường, siêu trọng từ cảng biển tới chân công trình cũng gặp nhiều khó khăn.

Hiệp hội Điện gió toàn cầu GWEC trước đó cũng đã có kiến nghị, Việt Nam gia hạn thời gian áp dụng biểu giá FIT cho điện gió vì nhiều lý do khách quan.

Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ về điện gió và cần được duy trì. Sự chậm trễ trong gia hạn biểu giá FIT sẽ dẫn tới nguy cơ suy thoái của ngành và khi đó, rất ít dự án sẽ được hòa lưới trong những năm tới.

Về phía các bộ, ngành, hiện chưa có thông tin cụ thể nào về các cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, cụ thể là điện gió trong giai đoạn tới. Do đó, các dự án điện gió chậm tiến độ, không kịp vận hành thương mại trước tháng 11/2021 sẽ gặp nhiều rủi ro./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.