Ngày 8/7, Tòa án nhân dân thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiến hành phiên hòa giải thứ 2 trong vụ kiện giữa 33 hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và tại xã Long Sơn (thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đối với 14 doanh nghiệp xả thải ra sông Chà Và gây ô nhiễm làm cá nuôi chết hàng loạt.
Tại phiên hòa giải lần này, các hộ dân lần lượt làm việc, thương lượng với từng doanh nghiệp về mức đền bù thiệt hại mà doanh nghiệp phải chịu.
Trong ngày 8/7, hai đơn vị đầu tiên là doanh nghiệp tư nhân Mỹ Sương và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nghê Huỳnh tiến hành thương lượng cùng 33 hộ dân.
Trước đó, tại phiên hòa giải thứ nhất vào ngày 22/6, các doanh nghiệp cho rằng nguyên nhân khiến cá chết không xuất phát từ hoạt động xả thải mà do nguyên nhân khác nhưng các hộ dân đã không đồng ý với quan điểm của các doanh nghiệp nên phiên hòa giải không thành.
Sau phiên hòa giải lần thứ nhất, các hộ dân nuôi cá lồng bè đã thống nhất yêu cầu phía các doanh nghiệp bồi thường 76% tổng số tiền thiệt hại theo báo cáo số 119/BC-VMTTN-KHCN của Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) lập ngày 19/11/2015, theo đó, mức yêu cầu bồi thường đã giảm xuống còn 13,8 tỷ đồng (tương đương với 76%) thay vì mức yêu cầu bồi thường ban đầu là 18,1 tỷ đồng.
Qua thương lượng, doanh nghiệp tư nhân Mỹ Sương đã thống nhất trả tiền đền bù thiệt hại cho 33 hộ dân. Sau khi thỏa thuận xong, đại diện doanh nghiệp Mỹ Sương đã chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân với số tiền 21 triệu đồng/hộ ngay tại Tòa án.
Cùng ngày, các hộ dân cũng đã tiến hành rút đơn kiện doanh nghiệp Mỹ Sương, còn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nghê Huỳnh vẫn không chấp nhận mức yêu cầu đòi bồi thường mới của 33 hộ dân.
Theo kết quả điều tra của Viện Môi trường và Tài nguyên đã đánh giá nguyên nhân gây chết hàng loạt cá nuôi trong lòng bè trên sông Chà Và (xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu), doanh nghiệp Mỹ Sương chiếm tỷ lệ xả thải thấp nhất là 0,13%, còn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nghê Huỳnh chiếm tỷ lệ xả thải 2,04%./.