GDP quý 3 năm 2020 của Mỹ được điều chỉnh tăng nhẹ 33,4%

Bộ Thương mại Mỹ cho biết GDP quý 3 năm 2020 của nước này đã phục hồi với tốc độ tăng trưởng 33,4%, được điều chỉnh tăng nhẹ so với mức tăng 33,1% đưa ra trong tháng trước.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ tại Washington, D.C., ngày 20/12/2020. (Ảnh: THX/ TTXVN)
Tòa nhà Quốc hội Mỹ tại Washington, D.C., ngày 20/12/2020. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Kinh tế Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ kỷ lục trong quý 3/2020 nhờ gói cứu trợ COVID-19 trị giá hơn 3.000 tỷ USD.

Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã mất đà giữa lúc năm 2020 đang dần khép lại và số ca mắc COVID-19 mới ngày càng tăng, trong khi quy mô gói kích thích tài chính thu hẹp lại.

Trong ước tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 3/2020, Bộ Thương mại Mỹ cho biết GDP của nước này đã phục hồi với tốc độ tăng trưởng 33,4%, được điều chỉnh tăng nhẹ so với mức tăng 33,1% đưa ra trong tháng trước, sau khi ghi nhận mức sụt giảm 31,4% trong quý 2/2020, mức giảm sâu nhất kể từ khi Chính phủ Mỹ bắt đầu thống kê số liệu vào năm 1947.

Kinh tế Mỹ vẫn thấp hơn 3,5% so với mức cuối năm 2019.

Theo một thống kê chính thức của hãng tin Reuters, Mỹ đang phải vật lộn với sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19, với hơn 17,78 triệu ca mắc, trong đó có hơn 317.800 ca tử vong.

Chính quyền các địa phương đã phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế đối với hoạt động kinh doanh, dẫn đến chi tiêu tiêu dùng giảm sút, đồng thời "kích hoạt" một làn sóng sa thải mới.

[Fed đánh giá tích cực hơn về kinh tế Mỹ trong hai năm tới]

Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi Quốc hội Mỹ nhiều lần trì hoãn thông qua gói cứu trợ bổ sung để hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn và người thất nghiệp.

Ngày 22/12, Quốc hội Mỹ đã thông qua gói cứu trợ COVID-19 trị giá gần 900 tỷ USD, nhằm tạo động lực cho hàng triệu người dân Mỹ và các doanh nghiệp vốn bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, đồng thời cung cấp tài chính cho các hoạt động của chính phủ liên bang cho đến tháng 9/2021.

Gói cứu trợ này sẽ mở rộng chương trình cho vay dành cho doanh nghiệp nhỏ và "trợ cấp" tiền cho các trường học, các hãng hàng không, hệ thống vận chuyển và phân phối vắcxin ngừa COVID-19.

Mặc dù gói cứu trợ bổ sung này cung cấp "động lực" để giúp nền kinh tế phục hồi, song các nhà kinh tế cho biết quy mô không đủ và gói cứu trợ này được triển khai chậm trễ. Ngoài ra, gói cứu trợ đã loại bỏ khoản viện trợ cho các bang và chính quyền các địa phương, những nơi ngân sách "hao hụt" mạnh do dịch bệnh.

Hoạt động chi tiêu tiêu dùng, chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế của Mỹ, đã dẫn đầu sự phục hồi trong quý 3/2020.

Tuy nhiên, hoạt động này đã hạ nhiệt, với doanh số bán lẻ giảm trong tháng 10 và tháng 11/2020, do thu nhập hộ gia đình chịu sức ép khi trợ cấp thất nghiệp hàng tuần do chính phủ tài trợ hết hạn.

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần lần đầu đã ở mức cao nhất trong ba tháng. Sức ép trên thị trường lao động và thu nhập hộ gia đình "cạn kiệt" đã dẫn đến ước tính tăng trưởng GDP trong quý 4/2020 của Mỹ chỉ vào khoảng 5%.

Hầu hết các nhà kinh tế đều dự báo mức tăng trưởng khiêm tốn hoặc thậm chí giảm trong quý 1/2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.