Giá cả những tháng cuối năm: Không để đứt gãy nguồn cung hàng hóa

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị phối hợp chặt chẽ với ngành giao thông, y tế, công an, quân đội làm tốt việc lưu thông, điều tiết hàng hóa từ nơi dồi dào đến nơi thiếu hụt.
Giá cả những tháng cuối năm: Không để đứt gãy nguồn cung hàng hóa ảnh 1Người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Dịch COVID-19 đã lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước chỉ trong thời gian ngắn. Nhiều địa phương, trong đó 2 đầu tàu cả nước là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đang phải áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch.

Mặc dù giới truyền thông, cơ quan quản lý đã liên tục thông tin, tuyên truyền khẳng định việc đảm bảo hàng hóa thiết yếu tới tay người tiêu dùng nhưng với tâm lý lo lắng, nhiều người đổ xô đi mua hàng tích trữ dẫn đến có nơi vẫn thiếu hàng cục bộ, tạo cơ hội cho các tiểu thương tăng giá kiếm lời.

Trước bối cảnh này, Bộ Công Thương khuyến cáo người dân không nên tích trữ mua nhiều hàng hóa mà cần tuân thủ các quy định, hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền, địa phương.

Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương để tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân.

Giải tỏa nỗi lo

Ngay sau khi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Chỉ thị số 17/CĐ-UBND về việc Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày kể từ 6h ngày 24/7, ngay từ sáng sớm, khu vực chợ Quỳnh Mai, 8/3 đã đông nghẹt người mua bán.

Tuy không chen lấn, xô đẩy nhưng các sạp thịt lợn, rau xanh hay thậm chí các rổ trứng của tiểu thương chưa kịp bày ra thì khách hàng đã vào mua. Giá các mặt hàng thực phẩm này đã tăng từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng tùy loại.

Nhận định về vấn đề này, bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết người dân không nên hoang mang lo lắng bởi hàng hóa trên địa bàn thành phố đang rất dồi dào, các hệ thống phân phối đều tăng nguồn hàng, nguồn nhân lực để phục vụ người tiêu dùng.

Bên cạnh việc xây dựng phương án 3 cấp độ để đảm bảo nguồn cung hàng bình thường như 6 tháng đầu năm 2021 với số lượng dự trữ tăng 3 lần bình thường, Sở Công Thương Hà Nội đã đề nghị hệ thống phân phối tăng thêm nguồn hàng cũng như huy động tổng lực, sẵn sàng xe vận chuyển xuyên đêm và tăng giờ bán.

Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã hợp tác cùng các doanh nghiệp bán lẻ, vận tải, sàn thương mại điện tử để đảm bảo nguồn cung thực phẩm với giá bình ổn.

[Giá cả hàng hóa những tháng cuối năm: Tiềm ẩn nhiều tác động]

Theo bà Nguyễn Thị Phương - Phó Tổng Giám đốc Vận hành Công ty VinCommerce (VCM), để đảm bảo hàng hoá cho 41 siêu thị VinMart và hơn 800 cửa hàng VinMart+ trên địa bàn Hà Nội, VCM đã làm việc với các nhà cung cấp lớn tăng lượng cung ứng gấp 3 đối với hàng thực phẩm thiết yếu, trứng và rau xanh tăng gấp 5 lần so với thời điểm trước kia.

Còn tại hệ thống siêu thị Big C, nhằm đáp ứng đầy đủ hàng hóa, giúp người dân yên tâm chống dịch, hệ thống siêu thị Big C (thuộc Tập đoàn Central Retail) bên cạnh việc tăng cường nguồn cung hàng hóa còn đa dạng các kênh bán hàng như ứng dụng GO! & Big C, hotline mua hàng 1900 1880, Zalo shop, Grab mart hay Now giao hàng tận nhà để khách hàng lựa chọn.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, báo cáo nhanh từ Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương cho thấy hàng hóa tại các hệ thống phân phối được cung ứng đầy đủ, không xảy ra tình trạng khan hiếm, giá cả dần ổn định mặc dù chi phí đội lên do khâu vận chuyển khó khăn khiến hàng hóa hao hụt như các loại rau củ quả, phí xét nghiệm...

Các hệ thống phân phối cũng tăng thời gian bán hàng để phục vụ người dân, tăng cường nhận đặt hàng qua điện thoại, qua online và giao tận nhà; áp dụng việc mua giới hạn một số loại hàng hóa được bình ổn giá để ngăn tình trạng người mua số lượng lớn trục lợi.

Ngoài ra, Sở Công Thương đã huy động các doanh nghiệp lĩnh vực thương mại, logistics có đủ năng lực và điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng và phân phối hàng hóa để cung cấp nguồn hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định, chất lượng đảm bảo tại hơn 1.000 điểm bán của thành phố.

Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh còn công khai thông tin 2.833 điểm bán theo từng địa bàn thành phố, quận huyện để người dân được biết và đến mua sắm.

Đảm bảo nguồn hàng, chặn đứng tăng giá

Trước các băn khoăn về thiếu hàng, tăng giá do đầu cơ, Tổ công tác của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết sau khi kiểm soát tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, nhìn chung tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm vẫn hoạt động mua bán bình thường, hàng hóa đều có niêm yết giá với các mặt hàng chủ yếu là rau, củ, quả, thực phẩm chế biến, thịt, cá tươi sống, thịt đông lạnh...

Nhận định về thị trường Hà Nội, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết  vừa qua, có xảy ra tình trạng ùn ứ hàng cục bộ gây khó khăn cho doanh nghiệp phân phối.

Một trong những nguyên nhân là do thành phố chưa có kịch bản tính đến mức độ cao hơn do dịch bệnh gây ra. Do đó, Hà Nội cần xây dựng kịch bản dài hơi, duy trì các chợ đầu mối cũng như luồng hàng hóa tập kết bởi khi dịch bùng phát mạnh hơn sẽ không thể chia nhỏ đơn hàng.

Với nhiệm vụ đảm bảo chuỗi cung ứng nguồn hàng hóa thiết yếu cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam, nhất là trong giai đoạn thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ sau thời gian khảo sát thực tế, Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương đã làm việc với một số bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp và thống nhất nhiều phương thức phối hợp để giảm thiếu ách tắc, đảm bảo cung ứng nhu cầu hàng hoá thiết yếu cho người dân.

Cụ thể, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đồng thuận với Thành phố Hồ Chí Minh, căn cứ vào thực tế đặc thù của từng chợ đầu mối để sớm mở những địa điểm tập kết trung chuyển hàng hóa.

Bộ Công Thương và Bộ Giao thông Vận tải cũng đã thống nhất về đầu mối liên lạc, phương thức phối kết hợp giữa hai Tổ công tác nhằm giải quyết nhanh các vấn đề ách tắc, khó khăn liên quan đến phân phối hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu để đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân trong vùng dịch.

Giá cả những tháng cuối năm: Không để đứt gãy nguồn cung hàng hóa ảnh 2Người dân mua rau củ bình ổn giá sau khi được dời về địa điểm mới ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng vừa thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc trong điều kiện dịch COVID-19.

Tổ công tác có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Tổ công tác phối hợp với các tỉnh, thành phố phía Bắc (từ tỉnh Thừa Thiên-Huế trở ra) chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng các phương án duy trì hoạt động sản xuất tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và các quy định khác của Chính phủ.

Đồng thời, Tổ công tác xây dựng phương án đảm bảo an toàn cao nhất trong khu vực sản xuất để thúc đẩy mạnh hơn nữa sản xuất, chế biến tại các tỉnh chưa bị hoặc nguy cơ dịch bệnh COVID-19 chưa cao, tăng nguồn cung phục vụ nhu cầu tại chỗ; cung cấp kịp thời lương thực, thực phẩm cho các địa phương thực hiện giãn cách do dịch COVID-19 và phục vụ xuất khẩu...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định đây không phải là lần giãn cách đầu tiên theo Chỉ thị 16/CT-TTg, nhưng phải xác định tính chất hoàn toàn khác so với lần giãn cách trước. Vì vậy, các đơn vị thuộc Bộ bám sát chỉ đạo điều hành của Chính phủ, phối hợp và tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của địa phương, khẩn trương đánh giá dự báo tình hình, khảo sát và nắm bắt đúng nhu cầu hàng hóa thiết yếu từng địa bàn, từ đó đưa ra cân đối cung cầu tại chỗ.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các ngành giao thông, y tế, công an, quân đội làm tốt việc lưu thông phân phối, điều tiết hàng hóa từ nơi dồi dào đến nơi thiếu hụt một cách kịp thời để giải quyết bài toán thừa-thiếu.

Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ, hiệu quả liên ngành tại các tỉnh, thành và khu vực phía Nam, tạo điều kiện thuận lợi trong khâu vận chuyển, lưu thông hàng hóa phục vụ người dân cũng như quyết liệt xử lý nghiêm những trường hợp đầu cơ, tăng giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục