Giá càphê thế giới tiếp tục tăng do đồn đoán về thiếu hụt nguồn cung

Giá càphê giao dịch hàng ngày đang trong xu hướng tăng kể từ giữa tháng 10/2019 và trong tháng 11/2019 đã tăng 10,1% so với tháng trước đó.
Giá càphê thế giới tiếp tục tăng do đồn đoán về thiếu hụt nguồn cung ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Starbucks)

Giá càphê thế giới tiếp tục tăng giữa bối cảnh xuất hiện những đồn đoán về nguồn cung thiếu hụt trong niên vụ 2019-2020. Xu hướng tăng giá này cũng đang diễn ra tại Ấn Độ, song người trồng càphê tại nước này cho biết giá càphê Arabica vẫn ở mức tương đương chi phí sản xuất, trong khi giá càphê Robusta còn thấp hơn 10-12%.

Nguồn cung càphê trong niên vụ 2019-2020 được dự báo sẽ thiếu hụt 502.000 bao (1 bao tương đương 60 kg). Tháng 11/2019 đã đánh dấu lần đầu tiên trong 12 tháng, chỉ số giá càphê tổng hợp của Tổ chức Càphê Quốc tế (ICO) liên tiếp duy trì ở trên mốc 100 xu Mỹ/pound (1 pound = 0,45 kg).

Giá càphê giao dịch hàng ngày đang trong xu hướng tăng kể từ giữa tháng 10/2019 và trong tháng 11/2019 đã tăng 10,1% so với tháng trước đó lên mức trung bình 107,23 xu Mỹ/pound.

Xuất khẩu càphê toàn cầu tháng 10/2019 đã giảm khoảng 13,4% xuống 8,91 triệu bao, so với cùng kỳ năm trước đó và là mức thấp nhất tính theo tháng kể từ tháng 9/2017. Trong đó xuất khẩu càphê Robusta giảm 21,6% xuống 2,82 triệu bao còn càphê Arabica giảm 9% xuống 6,08 triệu bao.

Các yếu tố như tình hình thời tiết không thuận lợi và giá càphê quốc tế ở mức thấp kéo dài đã góp phần khiến tình hình xuất khẩu sang các khu vực đều suy yếu. Xuất khẩu từ Ấn Độ ước tính ở mức 350.000 bao trong tháng 10/2019, thấp hơn 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

[Giá càphê có xu hướng tăng, nông dân Lâm Đồng phấn khởi]

Trong bối cảnh ICO vẫn giữ nguyên dự báo thiếu hụt càphê toàn cầu ở mức 502.000 bao trong năm 2019-2020, giá càphê có thể sẽ tăng cao hơn nữa.

Theo đó, giá cà phê Arabica có thể chạm mức 121,50 xu/pound vào tháng 12/2019 và đến tháng 5/2020, giá càphê có thể giao dịch ở mức 124,25 xu/pound. Trong khi đó, giá càphê Robusta dự kiến ở mức 1.388-1.424 USD/tấn vào tháng 5/2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.