Giá dầu Brent chạm mức cao nhất trong phiên giao dịch đầu tháng Sáu

Trong phiên giao dịch đầu tháng Sáu, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 8/2021 tăng 94 xu Mỹ (1,4%), lên 70,26 USD/thùng.
Giá dầu Brent chạm mức cao nhất trong phiên giao dịch đầu tháng Sáu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giá dầu tại thị trường châu Á đi lên trong phiên giao dịch 1/6, với dầu Brent Biển Bắc chạm mức 70 USD/thùng và đứng ở mức cao nhất kể từ tháng 3/2021. Lạc quan về triển vọng tiêu thụ dầu mỏ trong mùa Hè - mùa cao điểm di chuyển tại Mỹ đã góp phần thúc đẩy đà tăng của giá dầu.

Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 8/2021 tăng 94 xu Mỹ (1,4%), lên 70,26 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 7/2021 tăng 1,34 USD (2%), lên 67,66 USD/ounce.

Giá dầu trong phiên này còn được hỗ trợ bởi dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy hoạt động chế tạo của nước này tăng trưởng mạnh hơn dự kiến trong tháng 5/2021.

Giá dầu Brent đã leo lên mức cao nhất trong phiên là 70,34 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 8/3. Các nhà phân tích từ ING Economics cho biết, bất chấp những lo ngại về các quy định các hạn chế liên quan đến dịch COVID-19 được thắt chặt hơn ở khu vực châu Á, thị trường năng lượng dường như đang tập trung hơn vào nhu cầu tích cực của Mỹ và châu Âu.

[Giá dầu thế giới tăng lên gần 70 USD một thùng trong phiên 31/5]

Lượng xăng tồn kho tại Mỹ đang có xu hướng giảm và không quá xa so với mức thấp nhất trong 5 năm xét ở thời điểm này hàng năm.

Công ty theo dõi thị trường GasBuddy cho biết, nhu cầu xăng của Mỹ vào ngày Chủ nhật vừa qua (31/5) đã tăng 9,6% so với mức trung bình của bốn Chủ nhật trước đó, đạt cao nhất trong các Chủ nhật kể từ mùa Hè năm 2019.

Tuy nhiên, biên độ tăng của giá dầu trong phiên này bị giới hạn bởi dự báo về sự gia tăng sản lượng trên thị trường trong thời gian tới.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh - còn được gọi là OPEC+ - có khả năng sẽ đồng ý tiếp tục dần nới lỏng các hạn mức về cắt giảm nguồn cung tại cuộc họp vào ngày 1/6, khi các nhà sản xuất đang đánh giá sự phục hồi dự kiến của nhu cầu dầu mỏ với khả năng gia tăng sản lượng của Iran.

Vào tháng 4/2021, OPEC+ đã quyết định “trả lại” 2,1 triệu thùng/ngày cho thị trường từ tháng 5-7, khi tổ chức này dự đoán nhu cầu dầu trên toàn cầu sẽ tăng bất chấp số ca nhiễm COVID-19 gia tăng ở Ấn Độ, nước tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.