Giá dầu Brent đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008

Giá dầu thô Brent tại châu Á đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008 trong bối cảnh sản lượng dầu mỏ trên toàn thế giới đang ở mức cao và sắp có thêm nguồn cung mới từ Iran và Mỹ.
Giá dầu Brent đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008 ảnh 1Giàn khoan dầu ở Tioga, Bắc Dakota, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giá dầu thô Brent trong phiên sáng 21/12 tại châu Á giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008, khi thị trường lại dấy lên tâm lý lo ngại về tình trạng dư cung trên toàn cầu.

Sản lượng dầu mỏ trên toàn thế giới đang ở mức cao, giữa lúc sắp có thêm nguồn cung mới từ Iran và Mỹ.

Giá dầu Brent giảm xuống 36,32 USD/thùng vào lúc 7 giờ sáng (giờ Việt Nam), mức thấp nhất kể từ năm 2008, trước khi bật lên mức 36,49 USD/thùng vào lúc 9 giờ.

Giá dầu West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ giảm 20 xu Mỹ xuống 34,53 USD/thùng và áp sát mức đáy tính từ đầu năm tới nay. Cả hai loại dầu đã giảm giá hơn 2/3 kể từ giữa năm 2014.

Giới phân tích cho rằng đồng USD mạnh sau quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vào tuần trước, cũng như sự gia tăng trở lại số giàn khoan dầu tại Mỹ đã gây sức ép lên giá dầu.

Theo Goldman Sachs, số giàn khoan dầu tại Mỹ trong tuần trước đã tăng thêm 17 giàn khoan lên tổng số 541 giàn khoan đang hoạt động, kết thúc bốn tuần giảm liên tiếp.

Ngân hàng ANZ cho rằng sự gia tăng số giàn khoan giữa lúc giá dầu thấp đã cho thấy các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ quyết tâm duy trì sản lượng, trong khi dự trữ dầu thô của nước này đã tăng lên 491 triệu thùng, mức cao nhất trong thời điểm này của năm kể từ năm 1930.

Nguồn dầu của Mỹ làm gia tăng thêm tình trạng dư cung trên toàn cầu khi các nhà sản xuất lớn, trong đó có Nga và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), sản xuất vượt hàng trăm nghìn thùng so với nhu cầu mỗi ngày.

Sản lượng của Nga đã vượt 10 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ, trong khi sản lượng của OPEC cũng được giữ ở gần mức kỷ lục là trên 31,5 triệu thùng/ngày.

Góp thêm vào tình trạng dư thừa hiện nay là nguồn dầu mới có thể sẽ sớm được đưa vào thị trường với Iran đang hy vọng tăng xuất khẩu vào đầu năm 2016 một khi các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này được dỡ bỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.