Giá dầu Brent Biển Bắc đã ghi nhận các mức cao chưa từng thấy trong gần 8 năm qua trong phiên 24/2, khi những lo ngại lâu nay về khả năng xung đột quân sự liên quan tới Nga và Ukraine đã trở thành sự thực.
Giá dầu Brent đã có thời điểm chạm mức 101,34 USD/thùng vào đầu phiên giao dịch hôm nay trên thị trường châu Á. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 9/2014, trước khi giá dầu Brent giảm nhẹ xuống còn 101,20 USD/thùng vào lúc 11 giờ 23 theo giờ Việt Nam, tăng 4,36 US, hay 4,5% so với phiên trước.
Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 4,22 USD, hay 4,6%, lên 96,32 USD/thùng, sau khi có thời điểm tăng lên đến 96,51 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 8/2014.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố mở chiến dịch quân sự liên quan tới miền Đông Ukraine trong một diễn biến có thể là khởi đầu cho một tình hình nghiêm trọng hơn tại châu Âu.
Nga là nước sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới và chủ yếu bán dầu thô cho các công ty lọc dầu châu Âu. Nước này cũng là nhà cung cấp khi tự nhiên lớn nhất cho châu Âu, khoảng 35% nguồn cung khí đốt cho “lục địa già."
Ông Warren Patterson, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa của tập đoàn ngân hàng và dịch vụ tài chính ING (Hà Lan), cho biết việc Nga tuyến bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt liên quan tới Ukraine đã đẩy giá dầu Brent lên ngưỡng 100 USD/thùng, và thị trường “vàng đen” sẽ “thấp thỏm” chờ đợi xem các nước phương Tây sẽ có hành động gì đối với Nga.
Theo ông, sự bất ổn này gia tăng vào đúng thời điểm khi thị trường dầu đã thắt chặt từ trước đó càng khiến cho thị trường này dễ bị tổn thương hơn nữa, và vì thế giá dầu có thể sẽ vẫn biến động và tiếp tục xu hướng đi lên.
Các nước phương Tây và Nhật Bản ngày 22/2 đã ban hành các lệnh trừng phạt mới với Nga vì có sự điều động quân đội liên quan tới khu vực miền Đông Ukraine, và cảnh báo sẽ còn thành động mạnh hơn nữa nếu Nga tiến hành một hành động quân sự toàn diện. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có lệnh trừng phạt nào đối với hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga.
[Căng thẳng Nga-Ukraine có thể đẩy giá dầu lên 105 USD mỗi thùng]
Nhật Bản và Australia ngày 24/2 cho biết sẵn sàng dùng đến kho dự trữ dầu của mình, cùng với các nước thành viên khác của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nếu nguồn cung toàn cầu bị ảnh hưởng bởi tình hình xung đột ở Ukraine.
Ông Jeffrey Halley, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của công ty môi giới OANDA (Mỹ), cho biết: "Một yếu tố có thể đóng vai trò như một cái ‘phanh’ tạm thời đối với giá dầu là thỏa thuận hạt nhân Iran, với tin đồn đang lan truyền rằng một thỏa thuận mới có thể được công bố, có thể là trong tuần này."
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng thừa nhận những lo ngại về Ukraine và những kệ lụy của nó sẽ tiếp tục hỗ trợ giá dầu vốn vẫn đang ở trạng thái “mua ở đáy” một cách mạnh mẽ.
Mỹ và Iran đã tham gia vào các cuộc đàm phán hạt nhân gián tiếp tại Vienna (Áo), mà ở đó một thỏa thuận giữa các bên có thể sẽ dẫn đến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Iran và gia tăng nguồn cung toàn cầu.
Tuy nhiên, Iran ngày 23/2 lại kêu gọi các nước phương Tây cần “thực tế” trong các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015, đồng thời cho biết nhà đàm phán hàng đầu của nước này đã quay lại Tehran để tham vấn, qua đó cho thấy các cuộc đàm phán vẫn chưa đạt được đột phá.
Bên cạnh đó, một nguồn tin dẫn số liệu của Viện Xăng dầu Mỹ (API) cho biết lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã tăng 6 triệu thùng trong tuần trước. Số liệu chính thức sẽ được công bố trong ngày 24/2.
Cũng theo nguồn tin này, lượng xăng dự trữ của Mỹ đã tăng 427.000 thùng, trong khi lượng dự trữ các sản phẩm chưng cất giảm 985.000 thùng./.