Giá dầu châu Á giảm trong phiên sáng 22/11, tiếp tục đà giảm trong phiên trước do những lo ngại về tình trạng dư cung sau khi Nhật Bản xem xét mở kho dự trữ và nhu cầu do diễn biến dịch COVID-19 đáng lo ngại hơn tại châu Âu.
Giá dầu Brent giảm 57 xu Mỹ, hay 0,72%, xuống 78,32 USD/thùng vào lúc 9 giờ 6 phút (theo giờ Việt Nam) và giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) của Mỹ giảm 39 xu Mỹ, hay 0,51%, xuống 75,55 USD/thùng.
Giá dầu WTI và Brent phiên này có thời điểm chạm mức thấp nhất kể từ ngày 1/10, sau khi giảm khoảng 3% trong phiên cuối tuần trước.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong phát biểu cuối tuần qua tỏ ý sẵn sàng hành động để ngăn chặn đà tăng mạnh của giá dầu sau đề nghị của Mỹ trong việc giải phóng kho dự trữ khẩn cấp.
Trong khi đó, những lo ngại gia tăng rằng các hạn chế ngằm kiểm soát dịch được thực hiện trở lại có thể ảnh hưởng đến nhu cầu.
[Giá dầu ghi nhận chuỗi giảm giá dài nhất trong gần 20 tháng qua]
Cuối tuần trước, Đức cảnh báo nước này có thể phải phong tỏa hoàn toàn sau khi Áo thông báo sẽ tái áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát số ca mắc COVID-19 đang gia tăng.
Cũng vào cuối tuần trước, Nhà Trắng đã hối thúc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) duy trì đủ nguồn cung cho toàn cầu, vài ngày sau khi Mỹ cùng với một số nền kinh tế lớn nhất thế giới thảo luận về khả năng giải phóng dầu từ các kho dự trữ chiến lược để đối phó với việc giá cao.
Giá vàng châu Á ổn định
Giá vàng tại thị trường châu Á ổn định trong phiên giao dịch sáng 22/11, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ gần hai tuần qua, giữa bối cảnh đồng USD suy yếu hỗ trợ giá kim loại quý này.
Sáng phiên này, giá vàng giao ngay đi ngang ở mức 1.845,48 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ hạ 0,3%, xuống 1.846,80 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD, thước đo giá trị của đồng bạc xanh so với rổ các đồng tiền chủ chốt, giảm 0,1% từ mức cao đạt được vào cuối tuần trước. Đồng USD yếu làm giảm chi phí cơ hội khi sở hữu vàng đối với những người mua đang nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tranh luận công khai rằng liệu có nên đẩy nhanh hơn việc thu hẹp chương trình mua trái phiếu hay không, khi một trong những quan chức có ảnh hưởng nhất của ngân hàng này hồi cuối tuần trước đã bóng gió rằng ý tưởng này sẽ được đưa ra bàn tại cuộc họp tiếp theo của Fed.
Chủ tịch của Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) Jens Weidmann đã công khai không ủng hộ chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cảnh báo lạm phát có thể duy trì trên 2% trong một thời gian và ECB nên tránh bất kỳ cam kết nào về việc duy trì chương trình mua trái phiếu. Việc tăng lãi suất sẽ làm giảm sức hấp dẫn của vàng, vốn là tài sản không sinh lời.
Nhu cầu vàng vật chất tại các trung tâm lớn của châu Á đã giảm nhẹ vào tuần trước, mặc dù các nhà kinh doanh Ấn Độ đang hy vọng mùa cưới sắp tới sẽ thúc đẩy sự quan tâm đối với vàng vật chất.
Cũng trong phiên này, giá bạc giao ngay giảm 0,1%, xuống 24,57 USD/ounce. Trong khi giá bạch kim hạ 0,6%, xuống 1.025,33 USD/ounce. Còn giá palladium mất 0,7%, xuống 2.047,13 USD/ounce.
Mở cửa giao dịch tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 59,5-60,22 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), tăng 200 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 300.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua./.