Giá dầu châu Á đảo chiều tăng 2% trong phiên 26/3

Giá dầu tại châu Á đảo ngược đà giảm mạnh trong phiên trước, tăng 2% trong phiên 26/3, do những lo ngại gia tăng rằng có thể mất nhiều tuần trước khi có thể giải cứu "siêu tàu" bị kẹt ở Kênh đào Suez.
Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giá dầu tại châu Á đảo ngược đà giảm mạnh trong phiên trước, tăng 2% trong phiên 26/3, do những lo ngại gia tăng rằng có thể mất nhiều tuần trước khi có thể giải cứu "siêu tàu" đang làm tắc nghẽn Kênh đào Suez, điều có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dầu thô và các sản phẩm lọc dầu.

Giá dầu Brent tăng 1,09 USD, hay 1,8%, lên 63,04 USD/thùng vào lúc 14 giờ 50 phút (theo giờ Việt Nam), sau khi giảm 3,8% trong phiên trước. Trong khi đó, giá dầu West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ tăng 1,22 USD, hay 2,1%, lên 59,78 USD/thùng, sau khi giảm 4,3%.

“Siêu tàu” chở hàng Ever Given đang bị mắc kẹt đang làm tê liệt dòng chảy thương mại đi qua Kênh đào Suez, tuyến vận tải quan trọng đối với việc vận chuyển dầu thô, các sản phẩm lọc dầu, ngũ cốc và các hàng hóa khác giữa châu Á và châu Âu.

Tất cả các tàu đã không thể đi qua kênh đào này kể từ ngày 25/3 và một công ty cứu hộ cho biết có thể mất nhiều tuần mới để giải cứu tàu đang bị mắc kẹt.

Nhà phân tích về hàng hóa Satoru Yoshida tại Rakuten Securities cho rằng những lo ngại về sự thắt chặt nguồn cung gia tăng khi Kênh đào Suez vẫn tắc nghẽn và lo ngại này lớn hơn những lo ngại về nhu cầu yếu do các biện pháp phong tỏa nhằm kiểm soát dịch tại châu Âu và châu Á.

[Giao thương toàn cầu gián đoạn vì sự cố tàu mắc cạn ở Suez]

Theo công ty chuyên theo dõi thị trường dầu Kpler, trong tổng số 39,2 triệu thùng dầu thô được vận chuyển mỗi ngày bằng đường biển trong năm 2020, 1,74 triệu thùng được vận chuyển qua Kênh đào Suez.

Thêm vào đó, 1,54 triệu thùng các sản phẩm lọc dầu như xăng và dầu diesel cũng được chở qua kênh đào này mỗi ngày, chiếm khoảng 9% tổng khối lượng được vận chuyển trên toàn cầu.

Giá dầu cũng tăng khi những lo ngại về căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông leo thang.

Khả năng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh duy trì mức sản lượng hiện nay là yếu tố nữa đang hỗ trợ giá dầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục