Sự nổi lên của các loại thuốc lá thế hệ mới lậu trên thị trường đã và đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến cách nhìn của các nhà quản lý đối với những sản phẩm này.
Vì thế, cấm là một trong những giải pháp đang được cơ quan y tế đề xuất bên cạnh các ý kiến ủng hộ cho việc cần phải có luật quản lý. Trước những tranh luận đó, câu hỏi được đặt ra liệu cấm có thật sự là giải pháp và những hệ lụy gì sẽ diễn ra đằng sau lệnh cấm đó.
Quyền lợi người hút thuốc bị lãng quên, nhà nước thất thu ngân sách
Thuốc lá thế hệ mới đến nay được các cơ quan chức năng phân thành hai loại riêng biệt mặc dù cùng sử dụng các thiết bị điện tử để tạo ra hơi nicotin. Trong đó, thuốc lá làm nóng sử dụng công nghệ để làm nóng nguyên liệu thuốc lá bên trong. Ngược lại, thuốc lá điện tử chỉ làm nóng dung dịch có hoặc không có chứa nicotin (hoàn toàn không có nguyên liệu thuốc lá).
Mặc dù những sản phẩm này không hoàn toàn vô hại nhưng trong chuỗi nguy cơ của thuốc lá, những sản phẩm này đã được các cơ quan, tổ chức y tế thế giới xếp vào mức ít tác hại hơn so với thuốc lá điếu. Đến nay, những sản phẩm này chưa có mặt chính thức tại Việt Nam, nhưng lại đang tồn tại rất nhiều dưới dạng hàng lậu.
[Thuốc lá thế hệ mới: Cần luật để tiếp cận đúng đối tượng]
Trong suốt bốn năm qua, hàng năm chính phủ tốn một số tiền không nhỏ để phục vụ công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá, trong đó bao gồm thuốc lá thế hệ mới nhưng lại chưa thu về bất kỳ đồng thuế nào, do thiếu luật quản lý.
Mặt khác, do sự xâm nhập tràn lan của các tổ chức, cá nhân buôn lậu thuốc lá thế hệ mới vào thị trường đã khiến các cơ quan y tế đề xuất cấm hoàn toàn các sản phẩm này, trong khi các bằng chứng cho thấy những tác hại của các sản phẩm này nếu có thì phần lớn đều đến từ những nguồn hàng buôn lậu.
Đến nay, một thực tế không thể phủ nhận mặc dù thuốc lá là sản phẩm gây hại nhưng Việt Nam là một trong 15 nước đứng đầu danh sách tiêu thụ thuốc lá cao nhất. Trong khi đó, theo các chuyên gia y tế chỉ có 8% cai nghiện thành công bất chấp những cảnh báo sức khỏe. Do đó, những sản phẩm này dù không hoàn toàn vô hại nhưng nếu so với việc để cho những người hút thuốc lá tiếp tục chọn hút thuốc lá điếu thì việc lựa chọn những sản phẩm giảm thiểu tác hại (thuốc lá thế hệ mới) cần được cân nhắc.
Nói về vấn đề này, David Sweanor, thành viên danh dự Hội đồng quản trị Tổ chức HealthBrigde Canada, kiêm Luật sư và Chủ tịch Ban Cố vấn khoa Luật Y tế, Chính sách và Đạo đức của Đại học Ottawa cho biết: “Chúng ta đã có phương pháp để cung cấp nicotine mà người dùng cần hoặc mong muốn, mà lại không khiến họ phải hít vào những chất độc hại tạo ra bởi sự đốt cháy. Vì vậy nếu nhìn nhận chưa đầy đủ về các sản phẩm công nghệ thế hệ mới này thông qua hành động cấm, sẽ bỏ lỡ cơ hội cải thiện sức khỏe của những người hút thuốc lá trưởng thành."
Có thể cấm hay không
Đến nay thuốc lá vẫn là ngành hàng kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam. Do đó, theo ý kiến các luật gia việc cấm các sản phẩm này là khó khả thi. Trong luật phòng chống tác hại thuốc lá có phân rõ các mục, ngoài những dạng thuốc lá như thuốc lá sợi, thuốc lá điếu, còn có mục “thuốc lá khác" và đây là phân mục để xếp các loại thuốc lá thế hệ mới để đưa vào diện quản lý theo luật phòng, chống tác hại thuốc lá. Ngoài ra, với những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nào có cấu tạo sản phẩm gần với định nghĩa của luật như có nguyên liệu thuốc lá thì hoàn toàn có thể cân nhắc yếu tố này.
Cùng ý kiến với các luật gia, có đại diện của các cơ quan quản lý trong các hội thảo với chủ đề quản lý thuốc lá thế hệ mới tổ chức trong năm vừa qua cũng đã khẳng định cần phải phân biệt rõ sự khác nhau giữa thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Những nhóm sản phẩm nào thuộc lĩnh vực này phù hợp với luật quản lý thuốc lá hiện tại thì cần đưa vào luật.
Đến nay đã có ba lần chính phủ yêu cầu các bộ ban ngành đề xuất quản lý thuốc lá thế hệ mới để góp phần ngăn chăn buôn lậu. Tuy nhiên, khung hành lang pháp lý dành cho sản phẩm này đã bị trì hoãn trong nhiều năm nay.
Thực tế cho thấy, càng chậm trễ trong việc ban hành luật định, càng để lại nhiều hậu quả mà trong đó thế hệ trẻ sẽ là đối tượng dễ bị tấn công đầu tiên bởi sự thiếu vắng luật quản lý thuốc lá thế hệ mới. Đây cũng đồng thời là môi trường tốt cho buôn lậu phát triển và tinh tướng dưới nhiều hình thức./.
Ý kiến của ông David Sweanor, thành viên danh dự Hội đồng quản trị Tổ chức HealthBrigde Canada, kiêm Luật sư và Chủ tịch Ban Cố vấn khoa Luật Y tế, Chính sách và Đạo đức của Đại học Ottawa, được trích dẫn trong bài viết này, thể hiện quan điểm cá nhân, không phải ý kiến đại diện cho Tổ chức HealthBrigde Canada. |