Thêm giải pháp để phòng chống buôn lậu thuốc lá thế hệ mới

Thuốc lá điện tử nhập lậu được quảng cáo tràn lan với hình ảnh bắt mắt, thời thượng, bắt đầu len lỏi vào cả trường học, đang cho thấy sự cấp thiết phải đưa thuốc lá thế hệ mới vào diện quản lý.

Tình trạng thuốc lá điện tử nhập lậu được quảng cáo tràn lan với hình ảnh bắt mắt, thời thượng bắt đầu len lỏi vào vào trường học giả dạng son môi, bút, USB,… mà báo chí đưa tin trong thời gian gần đây đã một lần nữa khẳng định tính cấp thiết của việc sớm đưa tất cả các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vào quản lý.

Để rút ngắn thời gian nghiên cứu luật hóa thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng (thuốc lá nung nóng), từ đó giảm thiểu gánh nặng cho các cơ quan quản lý thị trường, việc tham khảo xu hướng quản lý của thế giới cũng như kết quả đạt được là điều đáng cân nhắc.

Chưa được luật hóa, thuốc lá thế hệ mới nhập lậu ngày càng gia tăng

Thuốc lá thế hệ mới là sản phẩm áp dụng công nghệ, loại bỏ quá trình đốt cháy, không tạo khói nhằm giảm thiểu tác hại cho người hút thuốc chủ động và thụ động. Mục đích ban đầu của nhà sản xuất là cung cấp thêm giải pháp chuyển đổi cho người đủ tuổi quy định đang hút thuốc lá điếu, vốn là sản phẩm độc hại nhất. Tuy nhiên, thực tế, qua các tay buôn hàng bất hợp pháp, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng đang bị quảng cáo sai sự thật, với hình ảnh bắt mắt sành điệu, nên nguy cơ thu hút thanh thiếu niên, học sinh là khó tránh khỏi.

Ngày càng có nhiều vụ nhập lậu, buôn bán trái phép thuốc lá thế hệ mới bị bắt giữ. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng không thể “mạnh tay” với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nhập lậu như với thuốc lá điếu. Theo luật, chỉ cần buôn bán trái phép một bao thuốc lá điếu, người vi phạm có khả năng bị xử phạt tới 3 triệu đồng và bị xử lý hình sự nếu tái phạm.

Còn đối với thuốc lá thế hệ mới, các cơ quan chức năng chỉ có thể xử lý vi phạm hành chính như một loại hàng hóa do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Rõ ràng, hình thức xử phạt này chưa thể đủ sức để ngăn chặn tình trạng buôn lậu thuốc lá thế hệ mới ngày càng gia tăng.

Thêm giải pháp để phòng chống buôn lậu thuốc lá thế hệ mới ảnh 1Buôn lậu thuốc lá làm nóng vẫn chưa bị xử phạt thỏa đáng.

Nhà nước thất thu ngân sách vì không thu được thuế, nhưng lại phải tiêu tốn chi phí chống buôn lậu và xử lý, tiêu hủy sản phẩm. Các cơ quan bộ ngành khác cũng phải tốn kém thời gian, tiền bạc, công sức cho công tác truyên truyền, định hướng giới trẻ trước bão thông tin sai lệch ngày càng tràn ngập trên mạng trong lúc chưa có quy định cụ thể để kiểm soát.

Xem xét cơ cở để luật hóa thuốc lá làm nóng

Từ sau khi Chính phủ có công văn chỉ đạo khẩn trương đề xuất chính sách quản lý riêng với thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng bàn thảo để sớm luật hóa thuốc lá thế hệ mới.

Mặc dù tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có câu trả lời chính thức về việc quy định phát luật nào áp dụng cho các sản phẩm này, nhưng cũng đã có hướng đi cho từng loại thuốc lá thế hệ mới. Theo đó, thuốc lá làm nóng do có chứa nguyên liệu thuốc lá nên các chuyên gia cho rằng có thể xem xét đưa vào quản lý ngay dưới Luật phòng, chống tác hại thuốc lá hiện hành. Tổ chức Hải quan quốc tế cũng xếp thuốc lá làm nóng là “thuốc lá khác." Trước đó, tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cũng công nhận thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá.

[Đề xuất tăng thuế, siết chặt quản lý sản phẩm thuốc lá thế hệ mới]

Thuốc lá làm nóng hiện được phép thương mại trên nhiều quốc gia, trong đó có cả Mỹ, Canada, Nhật Bản, Đức, Thụy Điển, New Zealand,… vốn rất chú trọng công tác phòng chống tác hại thuốc lá, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Điểm chung ở các quốc gia này là chính sách quản lý được đặt ra nhằm khuyến khích chuyển đổi từ thuốc lá điếu sang các sản phẩm không khói.

Trong bối cảnh các chuyên gia quốc tế nhận định rằng việc dừng hút thuốc điếu đốt cháy có thể giảm đến 90% tổng số ca mắc bệnh ung thư phổi do khói thuốc gây ra, thuốc lá thế hệ mới với công nghệ làm nóng không đốt cháy, không tạo khói ngày càng được chấp nhận rộng rãi như một biện pháp giảm thiểu tác hại.

Các cơ quan y tế một số nước cũng nhận định rằng, thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử mặc dù không hoàn toàn vô hại, nhưng vẫn có những lợi điểm nhất định.

Học viện Y khoa Hoàng gia Anh cho rằng thuốc lá thế hệ mới không khói sẽ mang nhiều lợi ích cho sức khỏe cộng đồng, và đề nghị các cơ quan y tế công cộng cần theo kịp tiến độ khoa học và cải tiến công nghệ. Còn cơ quan Y tế Canada khuyến cáo rằng chuyển đổi hoàn toàn từ hút thuốc lá điếu đốt cháy sang thuốc lá thế hệ mới có thể giảm thiểu sự phơi nhiễm với các chất hóa học gây hại.

Tại Mỹ, trong năm 2020, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng đã công nhận một sản phẩm thuốc lá làm nóng (có đệ trình và được thẩm định) là Sản phẩm thuốc lá điều chỉnh nguy cơ - giảm thiểu phơi nhiễm (MRTP).

Xét từ góc độ quốc tế, và luật hiện hành của Việt Nam, một số ý kiến cho rằng hiện đã có thể luật hóa đối với thuốc lá làm nóng. Việc này sẽ giảm thiểu đáng kể gánh nặng cho các cơ quan chức năng, đồng thời tạo nền tảng để tiếp tục nghiên cứu biện pháp quản lý phù hợp cho các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới còn lại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục