Hiện nay tại Việt Nam ngày càng có nhiều người bị ung thư phổi, tim mạch, đột quỵ… Đáng chú ý, nhiều trường hợp trong số đó có liên quan đến sử dụng thuốc lá, thuốc lào. Với những người mắc bệnh này, nếu nặng thì tử vong, nếu cứu sống được thì để lại di chứng nặng nề, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nói riêng đều chứa chất nicotine gây nghiện, có thể gây nguy hại đến hệ hô hấp và tim mạch của chính người hút và cả những người xung quanh.
40.000 ca tử vong mỗi năm do thuốc lá
Theo thông tin từ Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), trên thế giới, tỷ lệ sử dụng thuốc lá thế hệ mới (Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha) đang gia tăng trong giới trẻ. Ở Mỹ tăng từ 11,7% năm 2017 lên 27% năm 2019; 2/3 số người hút thuốc lá điện tử là thanh thiếu niên. Nghiên cứu tại 13 quốc gia Đông Âu cho thấy: 2,6% thanh thiếu niên không hút thuốc lá đã từng thử hút thuốc lá điện tử ít nhất ba lần.
Tại Việt Nam, theo Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), tính đến năm 2019, có khoảng 2,6% thanh, thiếu niên trong độ tuổi từ 13 đến 17 đang sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và có xu hướng ngày càng gia tăng.
[Hà Nội tạm giữ hơn 10.000 sản phẩm thuốc lá điện tử nghi nhập lậu]
Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê (Cục trưởng Cục Quản lý Khám-chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá) cho hay sử dụng thuốc lá là nguyên nhân của 7 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới. Tại Việt Nam, mỗi năm có 40.000 ca tử vong do các nguyên nhân từ thuốc lá. Vì vậy, việc phòng chống tác hại của thuốc lá là một nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là vai trò quan trọng của thanh niên Việt Nam trong công tác này.
“Các loại thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có chứa nicotine là chất gây nghiện cao, độc hại, gây bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, ngộ độc và gây ung thư. Chất nicotine có trong thuốc lá nói chung và thuốc lá thế hệ mới nói riêng gây nghiện, có thể gây nguy hại đến hệ hô hấp và tim mạch của chính người hút và cả những người chung quanh,” ông Khuê phân tích.
Bên cạnh đó, trong dung dịch thuốc lá điện tử còn có: Glycerin, propylene glycol và hương liệu (có trên 15.500 các loại hương liệu). Propylene glycol (mặc dù được coi là an toàn trong thực phẩm nhưng không phải để hít) có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi, gây hại đối với sức khỏe,” ông Khuê nhận định.
Thuốc lá thế hệ mới: Giới trẻ là “con mồi”
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá cho hay hiện nay đối tượng mà ngành công nghiệp thuốc lá là tìm kiếm người hút thuốc thay thế, bởi 50% số người hút thuốc lá trưởng thành sẽ tử vong sớm. Đây chính là đối tượng mục tiêu để họ duy trì sản lượng thuốc lá thế hệ mới và tăng trưởng lợi nhuận khi chính phủ các nước thực hiện các giải pháp phòng chống tác hại thuốc lá.
Bà Hương chỉ rõ hiện nay có một số nhận định sai lầm và sự thật về tác hại của các sản phẩm thuốc lá mọi người cần nắm bắt và hiểu rõ. Đó là các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không phải là sản phẩm ít hại hơn thuốc lá điếu thông thường.
Trong các sản phẩm thuốc lá có chứa chất nicotine gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa. Người hút thuốc khi sử dụng nicotine quá liều gây ngộ độc. Đặc biệt, Nicotine gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, thiếu niên, thanh niên, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bà mẹ và thai nhi trong thai kì, gây ra sinh non và thai lưu.
Bà Hương cũng cảnh báo: “Tại Việt Nam có hiện tượng lợi dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử để đưa thêm các chất gây nghiện khác. Trước tình trạng hút thuốc lá ở giới trẻ ngày càng tăng cao, các tập đoàn thuốc lá đang thúc đẩy việc tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt nhằm vào thanh thiếu niên.”
Thuốc lá thế hệ mới nhắm tới giới trẻ thông qua hình ảnh, phong cách tạo gu thẩm mỹ, xu hướng của giới trẻ, bán hàng qua mạng (bán qua app điện thoại thông minh, quảng cáo và mua bán trên internet) là hình thức mà giới trẻ thường sử dụng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương dẫn chứng những nhà sản xuất tạo xu hướng thời thượng cho sản phẩm với thiết kế sản phẩm hiện đại, bắt mắt, đa dạng kiểu dáng và kích thước, đóng gói như kẹo, nhiều hương vị và giá rẻ.
Theo thống kê về tình hình sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng ở thanh niên Việt Nam đã có sự gia tăng nhanh đáng kể. Năm 2015, tỷ lệ hút các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới là 1,1% và chiếm 0,2% số người đang sử dụng thuốc lá truyền thống thì hiện nay có xu hướng gia tăng ở các thành phố lớn, trong nhóm có mức sống khá và trong giới trẻ. Theo thống kê mới nhất năm 2019: Tỷ lệ sử dụng thuốc lá thế hệ mới của học sinh (13-17 tuổi) là 2,6%.
N.M.N, 20 tuổi (ở Hà Nội) cho hay trước khi hút các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, N. biết tới sản phẩm trên qua thông tin trên mạng Youtube, Facebook.
"Mình coi các cái quảng cáo các sản phẩm mới, các thứ về các loại hương vị thì mình cũng thấy tò mò về mua. Lúc đó em có ấn tượng đấy là mình chỉ cần đổ tinh dầu và sạc điện vào là hút được bình thường. Về dùng thử mình lại thích sau đấy mình dùng nhiều hơn," N. nói.
Tuy nhiên, không phải bạn trẻ nào cũng như N. T.N.A, sinh viên năm thứ 3 của Học viện báo chí và tuyên truyền tâm sự nhiều lần được bạn bè rủ dùng thử các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nhưng em chỉ thử để biết.
N.A cho biết: "Em đã được nghe nhiều về tác hại của thuốc lá, thấy đắng, cũng có mùi thơm những không thấy thích. Khi bạn bè rủ vài lần dùng thử nhưng sau đó em không sử dụng vì biết trong tinh dầu thơm hay các chất trong đó không tốt cho sức khoẻ lâu dài."
Không có công dụng cai nghiện
Hiện nay, có nhiều luồng thông tin đưa ra cho rằng thuốc lá thế hệ mới có công dụng cai nghiện thuốc lá điếu thông thường.
Bà Hương thẳng thắn: “Tổ chức Y tế thế giới kết luận: Không giống như các dược phẩm chứa và không chứa nicotine đã được thử nghiệm có tác dụng giúp bỏ thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không xác nhận thuốc lá điện tử giúp hỗ trợ cai nghiện. Các nghiên cứu cho thấy hút thuốc lá mới đã làm giảm hoặc cản trở việc cai thuốc lá ở cấp độ quần thể thông qua việc sử dụng kép (xen kẽ giữa thuốc lá truyền thống và thuốc lá điện tử/thuốc lá nung nóng) hoặc cả 3 loại này.”
Tính đến tháng 2/2020, có 41 quốc gia đã ra lệnh cấm buôn bán thuốc lá điện tử, trong đó có nhiều quốc gia thuộc khu vực châu Á như Lào, Thái Lan, Campuchia, Singgapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ...
Trong tháng 5/2020, có tới 100 quốc gia đã ban hành luật nội địa quy định đối với thuốc lá điện tử, trong đó có các quy định về độ tuổi tối thiểu được phép mua bán thuốc lá; quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, đóng gói bao bì, các quy định về sản phẩm, phân loại thuốc lá điện tử…
Theo ông Nguyễn Bình Minh - Chánh Văn phòng Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, trong những năm qua, đơn vị này tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến tác hại của thuốc lá trong mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên.
Trung ương Đoàn đã cung cấp các thông tin, nội dung cốt lõi của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; xây dựng mạng lưới hơn 200 Báo cáo viên thực hiện công tác tuyên truyền trên toàn quốc. Nhiều hoạt động được tổ chức như hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá (31/5), Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25-31/5) và các quy định về cấm hút thuốc tại nơi làm việc.
Bên cạnh đó, bắt đầu từ năm 2018, Trung ương Đoàn đưa nội dung tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá vào Bộ tiêu chí chấm điểm hằng năm để đánh giá, chấm điểm bình xét thi đua cuối năm đối với các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc. Trong năm 2020, Trung ương Đoàn tổ chức cuộc thi “Thanh niên nói không với thuốc lá” đã thu hút 16,3 triệu lượt tiếp cận hashtag #nosmokingchallenge. Cùng với đó là nhiều cuộc thi, hoạt động truyền thông, đào tạo, tập huấn tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá.
Vị đại diện Trung ương Đoàn nhấn mạnh Chiến dịch “Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử” được tổ chức có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết trong bối cảnh các tập đoàn thuốc lá đang thúc đẩy việc tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử (ENDS), thuốc lá nung nóng (HTPs), đặc biệt nhằm vào thanh thiếu niên.
Chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh niên về tác hại của thuốc lá, phát huy vai trò xung kích của cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong công cuộc tham gia phòng, chống tác hại của thuốc lá; xây dựng lối sống lành mạnh cùng môi trường không khói thuốc trong thanh niên Việt Nam.
"Sự kiện trên còn là hoạt động thức tỉnh thế hệ trẻ về những tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đối với người dân Việt Nam, qua đó kêu gọi các bạn trẻ thực hiện cam kết không sử dụng thuốc lá và thuốc lá điện tử," phó giáo sư Khuê nhấn mạnh.
Đề xuất cấm hoàn toàn
Bà Nguyễn Thị Thu Hương phân tích Điều 4 Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá nêu: “Hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc lá phải phù hợp với mục tiêu từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá, phù hợp với việc giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá” (Khoản 3).
Chính vì vậy, những năm qua mục tiêu chung Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020 là giảm nhu cầu sử dụng và kiểm soát để từng bước giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại thị trường Việt Nam nhằm giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra.
Việc cho phép các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện mục tiêu giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá. Bởi việc này sẽ làm gia tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá do cung cấp thêm sự lựa chọn cho người dùng; Thúc đẩy cả người không hút thuốc lá và người đang sử dụng thuốc lá điếu sử dụng thuốc lá điện tử.
Trên thực tế, cả người đang hút thuốc lá điếu thông thường và người không hút thuốc lá sau khi sử dụng thuốc lá điện tử vẫn tiếp tục hút thuốc lá điếu thông thường hoặc hút song song cả hai loại sản phẩm.
Theo bà Hương, thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng ảnh hưởng xấu tới thanh thiếu niên và cả những người hút thuốc lá. Đặc biệt, nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến giới trẻ, nguy cơ sử dụng ma túy và các chất kích thích khác đồng thời với thuốc lá điện tử nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu thông thường.
Thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, thế giới đã mất hàng chục năm chỉ để chống lại các tác hại của thuốc lá thông thường mà kết quả còn chưa được như mong đợi. Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá cho rằng nếu cho phép sản phẩm mới này, Việt Nam sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn rất nhiều trong tương lai gần.
Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị cần cấm hoàn toàn dưới mọi hình thức mua bán, sản xuất, nhập khẩu đối với các sản phẩm mới này (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha)./.
Các hoạt động nổi bật của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong phòng, chống tác hại của thuốc lá: Năm 2014: Cuộc thi sáng tạo “Cuộc sống không khói thuốc lá.” Năm 2019 là Chương trình Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá, với hoạt động: Kí cam kết online Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá. Năm 2020: Chiến dịch Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử - Hoạt động 1: Phát động ký cam kết online “Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử” (Phát động vào ngày 16/12/2020) - Hoạt động 2: Tổ chức cuộc thi online “Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử - No Smoking Challenge năm 2020. |