Giá dầu châu Á đi lên do tâm lý lạc quan về quan hệ Mỹ-Trung

Quan hệ thương mại Mỹ-Trung ấm lên và tình hình Trung Đông căng thẳng làm gia tăng lo ngại về nguồn cung khiến giá dầu châu Á đi lên trong phiên sáng 2/1.
Giá dầu châu Á đi lên do tâm lý lạc quan về quan hệ Mỹ-Trung ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu tại Al-Rawdhatain, Kuwait. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong phiên giao dịch sáng 2/1, giá dầu châu Á tăng do mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung ấm lên và tình hình Trung Đông căng thẳng làm gia tăng lo ngại về nguồn cung.

Vào lúc 8 giờ 30 sáng (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent tăng 21 xu Mỹ (0,3%) lên 66,21 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 21 xu Mỹ (0,3%) lên 61,27 USD/thùng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 31/12 cho biết việc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sẽ diễn ra tại Nhà Trắng vào ngày 15/1/2020, và sau đó ông sẽ đến Bắc Kinh để bắt đầu đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn 2 với Trung Quốc.

[Thị trường dầu thế giới trải qua năm tăng giá mạnh nhất kể từ năm 2016]

Giới chuyên gia nhận định thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ giúp giảm bớt các rủi ro mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt.

Stephen Innes, nhà chiến lược hàng đầu thị trường châu Á tại trung tâm AxiTrader cho biết, giá dầu vẫn được hỗ trợ bởi bất ổn chính trị gia tăng ở Iraq.

Dự trữ dầu của Mỹ sụt giảm tuần trước cũng hỗ trợ giá dầu. Viện Dầu khí Mỹ (API) vừa công bố dự trữ dầu thô của nước này đã giảm 7,8 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 27/12, so với kỳ vọng giảm 3,2 triệu thùng của các nhà phân tích.

Năm 2020, giá dầu Brent dự báo sẽ đạt trung bình 63,07 USD/thùng, tăng so với ước tính 62,50 USD/thùng hồi tháng 12/2019, trong khi giá dầu WTI dự báo sẽ đạt trung bình 57,70 USD/thùng, tăng so với mức ước tính 57,30 USD/thùng đưa ra trước đó do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cắt giảm nguồn cung.

OPEC và các đồng minh (OPEC+) đã nhất trí cắt giảm sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày từ 1/1/2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.