Trong phiên giao dịch chiều ngày 7/4, giá dầu giao kỳ hạn đã có lúc tăng hơn 2% và chạm mức cao nhất của một tháng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh phóng tên lửa vào một căn cứ không quân tại Syria.
Sau đó giá dầu đã giảm xuống vì dường như vụ không kích không đe dọa trực tiếp ngay lập tức đến nguồn cung.
Cụ thể, tại thị trường Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn đã tăng lên 56,08 USD/thùng trước khi cuộc không kích bắt đầu, rồi giảm xuống 55,62 USD /thùng vào lúc 14 giờ 04 phút (giờ Việt Nam).
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn cũng tiến thêm 2% lên 52,94 USD/thùng rồi hạ xuống và khép phiên ở mức 52,46 USD/thùng, tăng 1,45%. Trong phiên này, giá dầu Brent và WTI đều chạm mức cao nhất kể từ tháng đầu tháng 3/2017.
Mặc dù Syria có sản lượng dầu hạn chế, nhưng với vị trí ở Trung Đông và cùng liên minh với các nhà sản xuất dầu lớn, động thái trên của Mỹ đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xung đột lan rộng có thể làm gián đoạn hoạt động vận chuyển dầu.
Cuộc không kích cũng làm rúng động thị trường toàn cầu. Trong lúc các tài sản được coi là kênh “trú ẩn an toàn” như vàng tăng, thì thị trường chứng khoán và đồng USD đều sụt giảm.
Hiện thị trường thế giới vẫn còn tình trạng dư thừa, mặc dù Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã nhất trí cắt giảm sản lượng để đẩy giá “vàng đen” đi lên.
Số liệu về giao dịch dầu mỏ từ Thomson Reuters Eikon cho thấy lượng dầu thô được giao dịch trên toàn cầu đạt 1,4 tỷ thùng vào tháng 3/2017 (khoảng 45,6 triệu thùng /ngày), tăng so với con số 1.1 tỷ thùng trong tháng Hai.
Khối lượng dầu được vận chuyển cũng vẫn cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong nửa cuối của năm 2016.
Điều này cho thấy các nước chưa tuân thủ hoàn toàn cam kết cắt giảm sản lượng, hoặc nguồn cung dầu mỏ từ Mỹ hay một số nước khác khá dồi dào./.