Giá dầu châu Á giảm phiên 15/12 do lo ngại về nhu cầu nhiên liệu

Giới đầu tư đang lo ngại về khả năng nhu cầu nhiên liệu sẽ suy giảm trong thời gian tới, khi nhiều nước châu Âu thông báo thắt chặt các biện pháp phòng COVID-19.
Giá dầu châu Á giảm phiên 15/12 do lo ngại về nhu cầu nhiên liệu ảnh 1Nhu cầu năng lượng suy giảm khi nhiều nước tiếp tục áp dụng biện pháp hạn chế đi lại phòng COVID-19. (Ảnh: Đức Hùng/TTXVN)

Giá dầu châu Á đi xuống trong chiều 15/12, khi châu Âu thắt chặt các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo nhu cầu năng lượng sẽ phục hồi chậm hơn trong năm tới.

Phiên này, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 18 xu Mỹ (0,38%) xuống 46,81 USD/thùng vào lúc 14 giờ 37 phút (theo giờ Việt Nam). Giá dầu Brent Biển Bắc cũng giảm 20 xu Mỹ (0,4%) xuống 50,09 USD/thùng.

Giới đầu tư đang lo ngại về khả năng nhu cầu nhiên liệu sẽ suy giảm trong thời gian tới, khi nhiều nước châu Âu thông báo thắt chặt các biện pháp phòng COVID-19.

Chính phủ Anh đã tăng cường các hạn chế đi lại, đồng thời yêu cầu các quán bar và nhà hàng tại London ngừng hoạt động vì tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 tại nước này tiếp tục tăng mạnh.

[Vắcxin COVID-19 và vụ tấn công tàu đẩy giá dầu Brent vượt 50 USD/thùng]

Italy cũng cho biết đang xem xét thắt chặt hơn các hạn chế đi lại vào kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, trong khi hầu hết các cửa hàng ở Đức đã được lệnh đóng cửa cho đến ngày 10/1/2021.

Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ cho biết dù thông tin về việc triển khai vắcxin ngừa COVID-19 đã giúp thúc đẩy thị trường trước đó, song chặng đường hướng tới sự bình thường hóa trong nhu cầu năng lượng thế giới sẽ còn nhiều khó khăn.

Một  yếu tố khác cũng tác động tới tâm lý nhà đầu tư trong phiên này là việc OPEC đã hạ dự báo về đà phục hồi nhu cầu dầu năm 2021 khoảng 350.000 thùng/ngày, viện dẫn tác động dai dẳng của đại dịch.

Song tổ chức này cũng cho biết việc triển khai nhanh vắcxin ngừa COVID-19 ở các nền kinh tế lớn đang là yếu tố thuận lợi tiềm năng cho dự báo tăng trưởng của năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.