Giá dầu châu Á hướng đến mức tăng hơn 3% trong tuần này

Trong phiên chiều 12/8, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 23 xu Mỹ (0,2%) lên 99,83 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 3 xu Mỹ lên 94,37 USD/thùng.
Giá dầu châu Á hướng đến mức tăng hơn 3% trong tuần này ảnh 1Bơm xăng tại một trạm xăng ở Seoul, Hàn Quốc. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trong phiên giao dịch chiều 12/8, giá dầu tại thị trường châu Á hướng đến một tuần tăng giá giữa những lo ngại nguy cơ suy thoái giảm bớt, song triển vọng nhu cầu thiếu chắc chắn đã kiềm chế bớt đà tăng.

Giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 23 xu Mỹ (0,2%) lên 99,83 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 3 xu Mỹ lên 94,37 USD/thùng.

Giá dầu Brent đang trên đà tăng hơn 3% trong tuần này, sau khi giảm 14% trong tuần trước, mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 4/2020 khi mối lo ngại về đà tăng của lạm phát và lãi suất sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và nhu cầu nhiên liệu.

[Giá dầu thế giới tăng sau khi IEA nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu]

Phiên này, thị trường dầu mỏ chịu tác động từ quan điểm trái ngược từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) về triển vọng nhu cầu.

Ngày 11/8, OPEC đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2022 lần thứ ba kể từ tháng 4/2022, viện dẫn tác động kinh tế của căng thẳng Nga-Ukraine, lạm phát cao và nỗ lực ngăn chặn đại dịch COVID-19.

Trong báo cáo hàng tháng, OPEC dự báo nhu cầu dầu năm 2022 sẽ tăng khoảng 3,1 triệu thùng/ngày, giảm 260.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. Và OPEC vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2023 ở mức 2,7 triệu thùng/ngày.

Quan điểm của OPEC trái ngược với quan điểm của IEA khi trước đó cùng ngày cơ quan này đã nâng triển vọng nhu cầu dầu thế giới.

Báo cáo của IEA nâng triển vọng nhu cầu dầu năm 2022 thêm 380.000 thùng lên 2,1 triệu thùng/ngày.

Justin Smirk, nhà kinh tế cấp cao tại ngân hàng Westpac có trụ sở tại Australia nhận định có sự thiếu chắc chắn về triển vọng nhu cầu trong ngắn hạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.