Giá dầu châu Á “neo” trên ngưỡng 80 USD một thùng sáng 17/4

Dầu ghi nhận tuần tăng giá thứ tư liên tiếp sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán nhu cầu toàn cầu cao kỷ lục 101,9 triệu thùng/ngày trong năm 2023, tăng 2 triệu thùng/ngày so với năm 2022.
Giá dầu châu Á “neo” trên ngưỡng 80 USD một thùng sáng 17/4 ảnh 1Một trạm bơm nhiên liệu tại Paris, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới tăng trong phiên sáng 17/4 trên thị trường châu Á, nhờ lực đẩy từ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+.

Trong khi đó, giới đầu tư đang đón đợi số liệu kinh tế của Trung Quốc để tìm kiếm dấu hiệu nhu cầu phục hồi tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Vào lúc 8 giờ 44 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 17 xu Mỹ lên 86,48 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 14 xu Mỹ lên 82,66 USD/thùng.

Cả hai loại dầu này đã ghi nhận tuần tăng giá thứ tư liên tiếp trong tuần trước sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán nhu cầu toàn cầu cao kỷ lục 101,9 triệu thùng/ngày trong năm 2023, tăng 2 triệu thùng/ngày so với năm 2022.

Tuy nhiên, trong báo cáo hằng tháng của mình, IEA cảnh báo thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung, vốn được dự đoán sẽ xảy ra vào nửa cuối năm nay.

Điều này có thể gây áp lực lên người tiêu dùng và kìm hãm đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

Giới đầu tư đang chờ đợi số liệu về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 1/2023 của Trung Quốc dự kiến được công bố trong tuần này.

Chuyên gia phân tích Tony Sycamore của công ty chuyên cung cấp dịch vụ giao dịch trực tuyến IG dự đoán xác suất Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào tháng Năm tới là 78%, và sau đó sẽ hạ lãi suất chưa đến 0,6 điểm phần trăm vào cuối năm.

Trước đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, đã nhất trí theo đuổi các mục tiêu sản lượng sau khi một số thành viên của nhóm này tuyên bố tự nguyện cắt giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng/ngày trong một động thái bất ngờ trước cuộc họp.

[Giá dầu thế giới tăng lên do lo ngại nguồn cung thắt chặt]

OPEC+, liên minh gồm 23 nhà sản xuất dầu mỏ, tái khẳng định cam kết với Tuyên bố Hợp tác (DoC), được quyết định tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 33 của OPEC+ diễn ra vào ngày 5/10/2022, đồng thời kêu gọi tất cả các nước tham gia tuân thủ đầy đủ cơ chế này.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi một số thành viên OPEC+ là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Iraq, Kuwait, Oman và Algeria tối 2/4 thông báo họ sẽ tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu thô 1,16 triệu thùng/ngày trong thời gian từ tháng 5-12/2023.

Các nước này khẳng định đây là biện pháp phòng ngừa nhằm hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu mỏ.

Nga cũng thông báo mức cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày mà nước này đang thực hiện từ tháng 3-6/2023 sẽ tiếp tục cho đến cuối năm nay. Động thái của Nga đưa tổng mức cắt giảm lên hơn 1,66 triệu thùng/ngày./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.