Giá dầu châu Á rời khỏi mức “đỉnh” của 1 năm vừa xác lập trước đó

Tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 11/2016 giảm 26 xu Mỹ, xuống 51,09 USD mỗi thùng, giảm từ mức 51,60 USD mỗi thùng ghi nhận trong phiên trước.
Giá dầu châu Á rời khỏi mức “đỉnh” của 1 năm vừa xác lập trước đó ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong phiên giao dịch ngày 11/10, giá dầu tại thị trường châu Á rời khỏi mức “đỉnh” của khoảng 1 năm vừa xác lập trong phiên giao dịch trước đó và đảo chiều đi xuống, do giới đầu tư vẫn hoài nghi về khả năng thỏa thuận cắt giảm sản lượng vừa được Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) lên kế hoạch sẽ có hiệu quả trong việc kiềm chế sự dôi dư nguồn cung kéo dài hơn hai năm qua.

Tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 11/2016 giảm 26 xu Mỹ, xuống 51,09 USD mỗi thùng, giảm từ mức 51,60 USD mỗi thùng ghi nhận trong phiên trước.

Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc cũng hạ 30 xu, xuống 52,84 USD mỗi thùng, sau khi leo lên mức cao nhất trong một năm qua là 53,73 USD mỗi thùng.

Giá hai loại dầu chủ chốt đã tăng tới 3% trong phiên giao dịch đầu tuần này (10/10), sau khi Nga và Saudi Arabia đều bày tỏ lạc quan trước khả năng đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa các nước trong và ngoài OPEC.

Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cho hay kể cả khả năng thỏa thuận trên được thực thi thì thị trường dầu mỏ chưa thể tái cân bằng trong năm 2017.

Goldman Sachs nhấn mạnh, sản lượng dầu tăng cao tại Libya, Nigeria và Iraq đang đẩy lùi nỗ lực mà thỏa thuận trên mang lại, khiến thị trường khó lấy lại sự cân bằng ngay trong năm sau.

Thậm chí, ngay cả khi Nga và các nước thành viên OPEC nhất trí chung tay hạn chế nguồn cung thì giá dầu tăng cao sẽ “mời gọi” caccs nhà sản xuất dầu đá phiến sét của Mỹ đẩy mạnh sản lượng.

Chuyên gia phân tích Carsten Fritsch từ ngân hàng Commerzbank (Đức) cho rằng, quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp giá dầu phục hồi trong tương lai, song mục tiêu cắt giảm sẽ được thực hiện đầy đủ hay không vẫn còn là dấu hỏi lớn đối với thị trường, bởi sự ganh đua giữa các nước thành viên OPEC trong việc tranh giành thị phần có thể ngăn chặn hiệu quả của thỏa thuận này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.