Giá dầu châu Á rời khỏi mức cao của chín tháng trong phiên ngày 18/12, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng cao được coi là mối đe dọa đến nhu cầu năng lượng trong ngắn hạn và đồng USD mạnh lên cũng có tác động tiêu cực đến giá dầu.
Vào lúc 14 giờ 57 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 14 xu Mỹ (0,29%) xuống 48,22 USD/thùng, còn giá dầu Brent Biển Bắc giảm 20 xu Mỹ (0,39%) xuống 51,30 USD/thùng.
Theo thống kê của Reuters, tính đến ngày 18/12, trên thế giới đã ghi nhận hơn 73,65 triệu người mắc COVID-19, trong đó có 1.654.920 ca tử vong. Số ca mắc tăng cao khiến chính phủ các nước phải thắt chặt các biện pháp về đi lại, ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu và đà phục hồi kinh tế.
Trong khi đó, có nhiều dấu hiệu cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chững lại, với số liệu cho thấy số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ bất ngờ tăng trong tuần trước.
[Giá dầu trên thị trường châu Á tăng cao nhất trong 9 tháng qua]
Hai hợp đồng dầu chủ chốt trên đều tăng trong phiên ngày 17/12 nhờ sự lạc quan về tiến triển trong đàm phán gói hỗ trợ COVID-19, nhu cầu lọc dầu tăng ở châu Âu và đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm rưỡi.
Tuy nhiên, đồng USD tăng giá trong phiên 18/12 đã khiến giá dầu, vốn được giao dịch bằng đồng tiền này, trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
ANZ Research cho biết với việc số ca mắc COVID-19 của Mỹ đạt mức cao kỷ lục hàng ngày mới và các biện pháp hạn chế được siết chặt tại Nhật Bản, áp lực đang gia tăng đối với Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Nga và các đồng minh của minh, hay còn gọi là OPEC+.
OPEC+ có kế hoạch bổ sung 500.000 thùng/ngày vào nguồn cung dầu thế giới từ tháng 1/2021, giai đoạn đầu tiên hướng tới mục tiêu tăng 2 triệu thùng/ngày./.