Giá dầu châu Á sát 70 USD/thùng khi căng thẳng Trung Đông leo thang

Phiên đầu tuần 6/1, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn có lúc tăng lên mức cao 69,95 USD/thùng trước khi hạ xuống 69,65 USD/thùng vào lúc 7 giờ 16 phút giờ Việt Nam.
Giá dầu châu Á sát 70 USD/thùng khi căng thẳng Trung Đông leo thang ảnh 1Nhà máy lọc dầu của Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Saudi Aramco của Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu châu Á phiên giao dịch đầu tuần 6/1 tăng, nối dài đà tăng giá từ phiên cuối tuần trước giữa bối cảnh căng thẳng trong mối quan hệ giữa Mỹ-Iran leo thang.

Phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn có lúc tăng lên mức cao 69,95 USD/thùng trước khi hạ xuống 69,65 USD/thùng vào lúc 7 giờ 16 phút giờ Việt Nam, tăng 1,5% so với mức khép phiên 3/1 vừa qua.

Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 1,3% lên 63,86 USD/ounce sau khi có lúc tăng lên mức cao 64,27 USD/thùng.

Sáng 3/1 vừa qua, máy bay không người lái của quân đội Mỹ bắn tên lửa nhằm vào một đoàn xe ở sân bay quốc tế thủ đô Baghdad của Iraq và làm Tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh lực lượng Quds thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran, thiệt mạng.

[Giá dầu có thể tăng lên 80 USD nếu bất ổn ở Trung Đông gia tăng]

Mối quan hệ giữa các bên càng trở nên căng thẳng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố khả năng tiếp tục giáng đòn vào Iran nếu nước này tiến hành trả đũa việc Tướng Soleimani thiệt mạng.

Về phần mình, Chính phủ Iran cho biết Iran sẽ không tiếp tục tuân theo bất kỳ hạn chế nào về việc làm giàu uranium, trong khi Quốc hội Iraq ra nghị quyết chấm dứt sự hiện diện của binh sỹ nước ngoài.

Vandana Hari, nhà sáng lập Vanda Insights tại Singapore, dự báo giá dầu có thể tăng khi diễn biến tình hình trở nên xấu hơn.

Khu vực Trung Đông đóng góp gần một nửa sản lượng dầu của thế giới, trong khi Iraq là nhà sản xuất “vàng đen” lớn thứ hai trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.