Giá dầu châu Á tăng 1% nhờ thông tin Saudi Arabia giảm sản lượng

Giá dầu châu Á tăng khoảng 1% trong phiên sáng 12/11 sau khi Saudi Arabia thông báo sẽ cắt giảm nguồn cung trong tháng 12 tới, một động thái được cho là để chấm dứt đà tuột dốc của giá dầu.
Giá dầu châu Á tăng 1% nhờ thông tin Saudi Arabia giảm sản lượng ảnh 1Một trạm xăng ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu châu Á tăng khoảng 1% trong phiên sáng 12/11 sau khi Saudi Arabia thông báo sẽ cắt giảm nguồn cung trong tháng 12 tới, một động thái được cho là để chấm dứt đà tuột dốc của giá dầu kể từ đầu tháng 10 tới nay.

Cụ thể, trên thị trường Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc kỳ hạn tăng 93 xu Mỹ ( hay 1,3%) lên mức 71,11 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tiến thêm 54 xu Mỹ (0,9%) lên 60,73 USD/thùng.

Ngày 11/11, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, ông Khalid al-Falih nói với các phóng viên rằng nước này có kế hoạch giảm lượng dầu cung cấp cho thị trường thế giới xuống khoảng 500.000 thùng/ngày trong tháng 12 tới.

Con số trên tương đương 0,5% tổng nguồn cung dầu của thị trường thế giới.

Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang nỗ lực thuyết phục các nhà sản xuất dầu đồng ý cắt giảm sản lượng sau khi các nước này chưa đạt được thỏa thuận trong cuộc họp ngày 11/11 tại Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

[Các nước xuất khẩu dầu mỏ chưa đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng]

Giá “vàng đen” đã giảm tới gần 20% trong vòng một tháng qua do tình trạng nguồn cung tăng mạnh, đặc biệt là nguồn cung từ ba nhà sản xuất dầu hàng đầu là Mỹ, Nga và Saudi Arabia.

Một mối quan tâm lớn đối với Saudi Arabia và các nhà sản xuất dầu mỏ truyền thống khác tại Trung Đông là sự gia tăng sản lượng của Mỹ.

Trong tuần kết thúc vào ngày 9/11, các công ty năng lượng Mỹ đã tăng thêm 12 giàn khoan dầu, nâng tổng số giàn khoan dầu tại nước này lên 886 chiếc, mức cao nhất kể từ tháng 3/2015.

Theo giới quan sát, số lượng giàn khoan là một chỉ dấu cho thấy sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ còn tăng thêm sau khi đạt mức kỷ lục 11,6 triệu thùng/ngày.

Các chuyên gia nhận định OPEC sẽ có thể phải trải qua một cú sốc dầu đá phiến khi sản lượng khai thác của Mỹ có thể vượt ngưỡng 12 triệu thùng/ngày trong năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.