Giá dầu châu Á tăng sau khi lệnh trừng phạt dầu thô Nga có hiệu lực

Trong phiên giao dịch chiều 6/12, giá dầu Brent giao kỳ hạn đã tăng 85 xu Mỹ lên 83,53 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 68 xu Mỹ lên 77,62 USD/thùng.
Giá dầu châu Á tăng sau khi lệnh trừng phạt dầu thô Nga có hiệu lực ảnh 1Giá dầu châu Á tăng trở lại. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giá dầu châu Á tăng trở lại trong phiên giao dịch chiều 6/12 sau khi giảm hơn 3% trong phiên trước đó, do việc thực thi các biện pháp trừng phạt đối với dầu thô của Nga đã làm giảm bớt lo ngại về tình trạng dư thừa nguồn cung.

Trong khi đó, việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng chống COVID đã thúc đẩy triển vọng nhu cầu.

Giá dầu Brent giao kỳ hạn đã tăng 85 xu Mỹ lên 83,53 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 68 xu Mỹ lên 77,62 USD/thùng.

Liên minh châu Âu (EU) cùng các đồng minh trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và Australia đã nhất trí áp giá trần đối với dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng kể từ ngày 5/12.

[G7 đồng ý áp trần giá đối với dầu Nga: Con dao hai lưỡi]

Ngoài ra, các nước trên cũng dự kiến áp giá trần đối với các sản phẩm từ dầu từ ngày 5/2/2023, với các thông số sẽ được thiết lập sau.

Thị trường cũng đang theo dõi tình trạng tắc nghẽn giao thông của các tàu chở dầu ngoài khơi bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ do Ankara yêu cầu các tàu phải có bảo hiểm đầy đủ mới được đi qua.

Tại Trung Quốc, nhiều thành phố đang nới lỏng các hạn chế liên quan đến phòng chống COVID-19, thúc đẩy sự lạc quan về nhu cầu gia tăng tại quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới này.

Hoạt động kinh doanh và sản xuất tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã bị ảnh hưởng trong năm nay bởi các biện pháp nghiêm ngặt nhằm kiềm chế sự lây lan của đại dịch.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đà tăng giá dầu có thể rất mong manh vì sẽ cần thời gian để khẳng định sức tiêu thụ dầu mỏ của Trung Quốc phục hồi bền vững, cũng như ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt đối với nguồn cung dầu của Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.