Giá dầu châu Á tiếp tục tăng sau khi OPEC+ cắt giảm sản lượng

Vào lúc 15 giờ 29 phút ngày 19/6 (giờ Việt Nam) tại thị trường châu Á, giá dầu Brent tăng 1,09 USD (tương đương 2,6%) lên 42,60 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 8/6.
Giá dầu châu Á tiếp tục tăng sau khi OPEC+ cắt giảm sản lượng ảnh 1(Nguồn: businessinsider)

Giá dầu tại châu Á trong ngày 19/6 tăng lên hơn 42 USD/thùng, tiếp tục nối dài đà đi lên trước đó, sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số nước sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, cam kết thực hiện cắt giảm sản lượng dầu, cộng thêm những dấu hiệu cho thấy nhu cầu "vàng đen" - vốn chịu ảnh hưởng bất lợi của dịch COVID-19 - đang hồi phục.

Vào lúc 15 giờ 29 phút ngày 19/6 (giờ Việt Nam) tại thị trường châu Á, giá dầu Brent tăng 1,09 USD (tương đương 2,6%) lên 42,60 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 8/6. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,07 USD (2,8%) lên 39,91 USD/thùng.

Iraq và Kazakhstan, trong một cuộc họp của một tiểu ban thuộc OPEC+, ngày 18/6 đã cam kết tuân thủ tốt hơn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu.

Điều này có nghĩa mức cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ có thể sẽ còn mạnh hơn trong tháng 7/2020.

[Giá dầu thế giới tăng nhẹ trong bối cảnh OPEC+ họp về giảm sản lượng]

Theo nhà phân tích Jeffrey Halley của OANDA, Iraq cho biết sẽ thực hiện đầy đủ cam kết cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ và thực hiện tốt cam kết này trong những tháng tới, mục tiêu mà nước này đã bỏ lỡ trước đó. Những dấu hiệu cho thấy tiêu thụ nhiên liệu của châu Âu đang hồi phục cũng hỗ trợ giá dầu.

Cả hai loại dầu Brent và WTI đều tăng giá khoảng 2% trong ngày 18/6 và đang hướng tới mức tăng giá khoảng 10% trong tuần này.

Giá dầu Brent đã tăng hơn gấp đôi kể từ khi rơi xuống mức thấp nhất trong 21 năm qua vào tháng 4/2020, nhờ cam kết cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày của OPEC, tương đương 10% nhu cầu dầu thế giới, và việc các nước nới lỏng lệnh phong tỏa đã áp dụng trước đó nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.