Giá dầu châu Á sụt giảm trong phiên sáng 18/3 trước những quan ngại rằng kinh tế toàn cầu suy giảm có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu.
Trên thị trường Singapore vào lúc 7 giờ 53 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent Biển Bắc giảm 0,13 USD (0,2%) so với cuối phiên trước, xuống 67,03 USD/thùng.
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng sụt mất 0,15 USD (0,3%) xuống 58,37 USD/thùng.
Tuy nhiên, giá dầu Brent và dầu WTI phiên này vẫn ở quanh mức cao đạt được hồi tuần trước là 68,14 USD/thùng và 58,95 USD/thùng.
Trong báo cáo mới nhất, công ty chuyên nghiên cứu về thị trường năng lượng Bernstein Energy cho hay rủi ro lớn nhất đối với giá dầu là việc nhu cầu năng lượng yếu đi do tăng trưởng kinh tế chậm hơn.
[OPEC có thể gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu thô]
Bernstein Energy cũng cho rằng kế hoạch cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn khác sẽ dẫn đến lượng dầu dự trữ thấp hơn. Do đó, công ty này dự báo lượng dầu trong kho dự trữ của 36 quốc gia thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) sẽ giảm 37 triệu thùng trong quý 1/2019.
Chìa khóa cho sự cân bằng cung và cầu trên thị trường dầu mỏ sẽ là Mỹ, nước đã chứng kiến sản lượng dầu thô tăng vọt thêm khoảng 2 triệu thùng/ngày trong năm 2018, chủ yếu nhờ sự bùng nổ trong hoạt động khai thác dầu khí đá phiến.
Tuy nhiên, số lượng giàn khoan dầu của Mỹ lại đang giảm kể từ đầu năm 2019 và rơi xuống mức thấp nhất tính từ tháng 4/2018 vào tuần trước, khi tụt xuống chỉ còn 833 giàn khoan hoạt động.
Số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy sản lượng dầu thô của nước này vẫn tăng vào đầu năm 2019 và đạt mức kỷ lục 12,1 triệu thùng/ngày trong tháng Hai. Nhưng kể từ đó tới nay, con số trên đã giảm xuống còn 12 triệu thùng/ngày./.