Giá dầu chứng kiến phiên hạ thứ 5 liên tiếp tại thị trường Mỹ

Giá dầu ngọt nhẹ tiếp tục chứng kiến phiên đi xuống thứ năm liên tiếp giữa bối cảnh nguồn cung dầu của Mỹ vẫn có xu hướng tăng cao.
Giá dầu chứng kiến phiên hạ thứ 5 liên tiếp tại thị trường Mỹ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giá dầu ngọt nhẹ tiếp tục chứng kiến phiên đi xuống thứ năm liên tiếp trong ngày giao dịch 10/2, giữa bối cảnh nguồn cung dầu của Mỹ vẫn có xu hướng tăng cao. Trong khi đó, Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vừa xác nhận sự gia tăng đáng kể sản lượng dầu trong tháng Một vừa qua.

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 3/2016 giảm 49 xu Mỹ, xuống 27,45 USD/thùng. Tuy nhiên, tại thị trường London (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 4/2016 lại tăng 52 xu, lên 30,84 USD/thùng.

Dầu ngọt nhẹ có thời điểm phục hồi trong phiên này sau khi Bộ Năng lượng Mỹ công bố báo cáo cho hay dự trữ dầu thô của nước này trong tuần kết thúc ngày 5/2 đã giảm khoảng 800.000 thùng.

Tuy nhiên, đà giảm đã nhanh chóng quay trở lại thị trường "vàng đen" khi giới đầu tư tiếp nhận thông tin cho hay nguồn cung xăng dồi dào và lượng dự trữ dầu thô tại Cushing, Oklahoma, trung tâm giao dịch dầu mỏ chủ chốt của Mỹ vẫn tăng cao, còn sản lượng dầu giảm không đáng kể.

Thêm vào đó, tâm lý của giới đầu tư năng lượng còn bị tác động tiêu cực bởi báo cáo mới nhất từ OPEC cho hay cán cân cung cầu trên thị trường dầu mỏ vẫn đang mất cân bằng khi sản lượng dầu mỏ của các-ten này đã tăng khoảng 130.000 thùng/ngày trong tháng 1/2016.

Báo cáo này, cùng với nhận định kém lạc quan trước đó của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) về thị trường năng lượng thế giới càng khiến giá dầu có lý do để "lao dốc."

Chuyên gia phân tích Matt Smith từ ClipperData cho hay, nếu dựa trên cơ sở sản lượng dầu hiện tại của OPEC, thị trường dầu mỏ thế giới sẽ bị dư cung khoảng 1,84 triệu thùng/ngày trong quý 1/2016./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.