Trong một phát biểu mới đây, Thứ trưởng Bộ Dầu mỏ Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman cho rằng các nhân tố cơ bản dài hạn của thị trường dầu mỏ vẫn mạnh mẽ, nhưng giá dầu suy giảm kéo dài có thể đe dọa an ninh nguồn cung và mở đường cho một cuộc "khủng hoảng tăng giá."
Ông bin Salma nói: "Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, sẽ tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực dầu khí. Là nước có trữ lượng dầu mỏ lớn, mục tiêu của Saudi Arabia là định hình các xu hướng dài hạn của thị trường dầu mỏ."
Theo quan chức trên, việc cắt giảm đầu tư vào ngành dầu mỏ có thể dẫn đến sự sụt giảm nguồn cung từ các nhà sản xuất ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong năm 2016 và những năm tiếp theo và hậu quả của điều này là giá dầu lại tăng mạnh trên thị trường. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế thế giới, với châu Á là động lực then chốt, sẽ vẫn sáng sủa.
Ông bin Salma cho biết tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu năm 1985 là 59 triệu thùng/ngày trong khi công suất sản xuất dư thừa lên tới 10 triệu thùng/ngày. Như vậy, tỷ lệ công suất dư thừa/tiêu thụ là 17%. Nhưng năm nay, tiêu thụ của thế giới đạt xấp xỉ 94 triệu thùng/ngày với công suất dôi dư là 2 triệu thùng/ngày, có nghĩa là tỷ lệ này chỉ ở mức 2%.
Ông bin Salma cho rằng một khi an ninh nguồn cung bị đe dọa, giá dầu chắc chắn quay đầu tăng mạnh và có thể đạt 200 USD/thùng trong vài năm tới.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde vừa cảnh báo giá dầu trên thị trường thế giới có thể vẫn thấp trong vài năm nữa và hối thúc các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) điều chỉnh các chính sách tài khóa.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 9/11 ở thủ đô Doha của Qatar sau cuộc họp giữa các Bộ trưởng và quan chức ngành dầu mỏ sáu nước thành viên GCC, bà Lagarde nhấn mạnh các nước này không nên tiếp tục phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt.
Người đứng đầu định chế tài chính toàn cầu này cho hay giá dầu có thể sẽ tiếp tục ở mức thấp trong một vài năm nữa, do đó tất cả các nước GCC, bao gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE), nên tiến hành điều chỉnh chính sách tài khóa.
Theo bà Lagarde, các nước cần điều chỉnh chính sách tài khóa càng sớm càng tốt, trong đó chú trọng việc kiểm soát chi tiêu, nhất là tiền lương cho khu vực công và thúc đẩy tăng trưởng ở khu vực tư nhân. Quy mô và tính cấp thiết của tiến trình điều chỉnh phụ thuộc vào tình hình thực tế ở từng nước.
Qatar là nước cần sớm tiến hành cải cách tài khóa. Để đăng cai giải World Cup 2022, nước này đã chi nhiều tỷ USD trong những năm gần đây.
Bộ trưởng Tài chính Qatar Ali Shareef Al-Emadi mới đây thừa nhận nước này sẽ bị thâm hụt ngân sách trong năm 2016. Do giá dầu suy giảm kéo dài, Qatar đang đối mặt với thâm hụt ngân sách tương đương 4,9% GDP trong năm 2016 và 3,7% GDP năm 2017.
Bà Lagarde cũng cho biết IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước GCC sẽ giảm từ 3,2% năm nay xuống còn 2,7% năm 2016. Do giá dầu giảm mạnh thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu dầu mỏ của các nước GCC trong năm 2015 sẽ chỉ ở mức 275 tỷ USD, thấp hơn năm 2014. Giá dầu trên thị trường thế giới đã giảm hơn một nửa kể từ đầu năm 2014./.